Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, dư luận đều bàng hoàng nhận ra, không chỉ những món ăn được truyền tai nhau là đặc sản, độc đáo chứa chất cực độc mà ngay cả những phương thuốc “truyền miệng”, sự thiếu hiểu biết của một số người đã vô tình hại chết trẻ con.

Mùa hè không chỉ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng vì nền nhiệt tăng cao mà còn là môi trường lý tưởng để nhiều loài côn trùng có điều kiện phát triển. Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, trong hai tháng qua, hàng trăm hộ dân đã gọi điện đến thông báo có bọ xít hút máu xuất hiện. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, đã có 21 trên 30 quận, huyện, thị xã xuất hiện loại côn trùng này. Ngoài ra, bọ xít hút máu người (BXHMN) cũng xuất hiện ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

Nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy, thời gian BXHMN phát tán mạnh trong ba tháng 6, 7, 8. Các ổ BXHMN thường ở những nơi ẩm thấp, bỏ hoang, có vụn vải hoặc gỗ mục, có nhiều chuột. Từ ổ, bọ xít có thể phát tán ra xung quanh trong bán kính 1,5 - 2km và cứ thế chúng lan truyền đi khắp nơi. Theo PGS.TS. Trương Xuân Lam, hiện chưa có nghiên cứu khẳng định bọ xít hút máu ở Việt Nam có khả năng truyền bệnh hay không.

Còn TS. Hồ Đình Trung - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng Trung ương cho biết: BXHMN là một loại trung gian truyền bệnh, nó chỉ gây bệnh khi hút máu ở người có mang mầm bệnh. Nhưng ở Việt Nam không có mầm bệnh, giả sử nếu có thì cũng cực kỳ ít, vì thế, bọ xít bị nhiễm bệnh rất nhỏ. Nguy cơ lây bệnh sang người cũng không đáng kể. Đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận một trường hợp nào mắc bệnh do bọ xít truyền. 
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra - Ảnh 1
Trong khi ở Hà Nội, nhiều người cảm thấy hoang mang khi bị bọ xít hút máu dẫn đến bị bất tỉnh, tụt huyết áp, thì bọ xít đen lại là món ăn được nhiều người dân miền núi yêu thích. Tuy nhiên, do bất cẩn trong chế biến, nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu. Điển hình trong đó, ngày  16 và 17/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và Bệnh viện huyện Than Uyên đã cấp cứu cho hơn 20 bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn bọ xít đen, trong đó 1 người đã tử vong.  Trong hơn 20 trường hợp đang cấp cứu tại hai bệnh viện trên có người cao tuổi nhất gần 90 tuổi, người nhỏ nhất 5 tuổi. Không chỉ vây, một phụ nữ đang mang thai bị ngộ độc và đã sinh tại bệnh viện tuyến huyện. Sự việc xảy ra từ hôm 12/6 tại bản Mùi 2, xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Hầu hết những người bị ngộ độc là dân tộc Thái.  
Nạn nhân của vụ ăn bọ xít đen đang được cấp cứu.
Nạn nhân của vụ ăn bọ xít đen đang được cấp cứu.
Ông Lường Văn Mừng (ngoài 60 tuổi) cùng hai đứa cháu nhỏ ra ruộng lúa gần nhà bắt được khoảng 4kg bọ xít có màu đen, đem về xào ăn. Thấy ngon nên nhiều người hàng xóm, anh em họ hàng cùng ăn. Sau đó, ông Mừng kêu đau từ cổ, xuống ngực, lưng và toàn thân bị tê không cử động được. Hơn 20 người ăn bọ xít cũng bị hiện tượng giống như ông Lường Văn Mừng. Ngay sau đó, ông Mừng được đưa đến bệnh viện huyện Than Uyên cấp cứu, nhưng hai ngày sau ông Mừng đã tử vong. Cả hai người con nhỏ và vợ anh Lường Văn Ban cũng đang phải cấp cứu do ngộ độc.

Tuy nhiên, đến chiều 20/6, thông tin từ UBND xã Khoen On cho biết, số người ăn bọ xít đen đã lên tới gần 38 người, bởi ở một bản khác cạnh bản Mùi 2 là bản On cũng có nhiều người ăn bọ xít đen nhưng không thấy có triệu chứng nên không đến bệnh viện dù đã được vận động. Hiện 29 người đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh.

Trước đó, ngày 18/6, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện vừa tiếp nhận, cấp cứu hai bệnh nhân ngộ độc khá nặng do ăn phải cá nóc. Hai bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Khá (63 tuổi) và vợ là bà Bùi Thị Há (61 tuổi), ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Theo hồ sơ bệnh án, các bệnh nhân nhập viện trưa 17/6 trong tình trạng toàn thân bị tê, vật vã, buồn nôn. Tiến hành cấp cứu, các bác sỹ bệnh viện truyền dịch, uống thuốc chống nôn, băng niêm mạc cho bệnh nhân. Sau khi cấp cứu, sức khỏe bà Há đã ổn định nhưng vẫn còn bị tê tay chân, kèm theo huyết áp cao. Riêng ông Khá hiện vẫn còn tê toàn thân, choáng, nôn kèm rung thất (do bệnh tim tiềm ẩn) nên cả hai ông bà phải nằm viện để bác sỹ theo dõi thêm.

Theo bà Há, sáng 16/6, người dân trong xóm bắt được khoảng 1kg cá nóc nước ngọt (khoảng hơn 20 con) nên bà mua về làm, lấy phần thịt và gan rồi nấu cho cả nhà 6 người (thêm hai người con và hai người cháu) cùng ăn. Sau khi ăn xong khoảng 1 giờ, cả 6 người trong nhà đều có chung triệu chứng môi, tay chân bị tê, choáng, buồn nôn… Sau đó, cả nhà bà Há được hàng xóm đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp cấp cứu. Tại đây bác sỹ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc cá nóc. Do vợ chồng ông bà Há bị ngộ độc nặng nên được chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu, 4 người còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Bé Thiên Hòa đang được điều trị.
Tình trạng của bé Thiên Hòa rất nguy kịch vì vừa bị đuối nước vừa bị bỏng
Và cũng trong tuần qua, dư luận cũng đặc biệt bức xúc trước thông tin hai trẻ ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai bị chết oan chỉ vì sự bất cẩn của người lớn và phương thuốc “truyền miệng” thiếu khoa học của một số người.

Khoảng 16h ngày 17/6, khi hai đứa bé Phạm Hoàng Thiên Hóa (3 tuổi) và bé Trần Thị Kiều My (18 tháng tuổi) ngủ dậy, bà Bùi Thị Lài cho chơi trước sân nhà trọ. Sau đó người “bảo mẫu” 67 tuổi này quay vào trong phòng trọ để lấy cơm cho hai đứa trẻ ăn. Khoảng 5 phút sau, bà Lài quay ra thì không thấy cả hai bé đâu nên đi tìm. Bước vội ra hồ cá, bà Lài thấy đôi dép và quả bóng của bé Hòa, biết có chuyện chẳng lành nên bà cụ vội chạy ra cổng kêu cứu mọi người.

Lúc này một số thanh niên đang làm việc tại gara xe ô tô ngoài cổng liền chạy tới nhảy xuống hồ nước mò tìm vớt được hai đứa trẻ lên bờ. “Khi mấy người gạt bèo trên mặt nước ra, tôi thấy hai đứa trẻ nổi lập lờ. Khi được vớt lên thì chúng tím tái hết cả rồi. Mọi người vác hai đứa lên vai sốc cho nước trong bụng ọc ra. Tuy nhiên chúng vẫn không tỉnh lại”, bà Lài kể lại.
Bà Lài thuật lại việc hơ lửa cho hai đứa trẻ bị ngạt nước trên chiếc lu.
Bà Lài thuật lại việc hơ lửa cho hai đứa trẻ bị ngạt nước trên chiếc lu.
Bà “bảo mẫu” kể tiếp: “Thấy chân tay hai đứa lạnh ngắt nên một số người đã nghiêng chiếc lu, đốt lửa bên trong rồi đặt hai cháu lên trên bên ngoài để làm ấm. Đây là một số kinh nghiệm cứu trẻ bị ngạt nước của người miền Tây. Nhiều người nói chúng tôi đốt lửa bên trong rồi đặt hai đứa trẻ lên miệng chiếc lu là không đúng”. Chính vì vậy, bé Hòa và bé My ngoài đuối nước còn bị bỏng 10% (bỏng độ 2) ở mặt, chân, bụng, mông... Sau khi nỗ lực sơ cứu, hai bé được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với tình trạng ngưng thở, ngưng tim. Tại đây, các bé được cấp cứu, khi tim đập trở lại thì được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tuy nhiên đến ngày hôm sau bé Kiều My tử vong, bé Thiên Hòa cũng rất nguy kịch, như hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, nguy cơ tử vong cao.

Qua những sự việc trên, dư luận đều bàng hoàng nhận ra, không chỉ những món ăn được truyền tai nhau là đặc sản, độc đáo chứa chất cực độc mà ngay cả những phương thuốc “truyền miệng”, sự thiếu hiểu biết của một số người đã vô tình hại chết người khác. Chẳng thế mà cổ nhân từng nhắc nhở nhau “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”(bệnh tật từ miệng mà vào, tai họa do từ miệng mà ra).