Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viêm gan mạn tính: Vì sao cần phải tầm soát?

Chuyên khoa Gan mật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec TS Đinh Thế Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những triệu chứng rất mờ nhạt của viêm gan mạn tính khiến nhiều người mắc bệnh vẫn tưởng rằng đang khỏe mạnh. Tới khi các dấu hiệu bắt đầu rõ rệt thì bệnh đã nặng, tiến triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm tiêu hóa kỹ thuật cao Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Người Việt rất dễ mắc bệnh
Viêm gan mạn tính là tình trạng tế bào gan bị hủy hoại (biểu hiện bằng tăng nồng độ men gan trong máu) kéo dài trên 6 tháng, do nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp nhất là viêm gan siêu vi B mạn tính, viêm gan siêu vi C mạn tính, bệnh gan do rượu bia và gan nhiễm mỡ. Đây là bệnh rất phổ biến ở người Việt, hầu như không có biểu hiện triệu chứng gì rõ rệt, nhưng âm thầm phát triển, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm là tầm soát sớm bệnh gan mạn tính, từ đó có biện pháp điều trị và theo dõi thích hợp. Những lý do cụ thể sau chứng minh tầm quan trọng của việc tầm soát căn bệnh này:

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B cao nhất thế giới với khoảng 10 - 20% dân số. Bệnh lây từ mẹ sang con, do truyền máu hay dùng chung dụng cụ có thể dính máu (dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm môi hay xăm mình, kim chích...) và quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh.

Trong khi đó, tỷ lệ mắc viêm gan siêu vi C mạn tính dao động 2 - 5% dân số. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường máu, do đó, thường gặp nhiều ở những người tiêm chích ma túy, chạy thận nhân tạo, truyền máu nhiều lần... Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con hay quan hệ tình dục thấp hơn nhiều so với viêm gan siêu vi B.

Bệnh gan do rượu bia là một trong những bệnh gan thường gặp nhất ở nước ta. Theo một khảo sát ở nhiều quốc gia châu Á, tỷ lệ nghiện rượu bia ở đàn ông Việt Nam cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Bệnh gan do rượu bia không chỉ liên quan tới lượng rượu bia sử dụng mà còn liên quan tới độc chất đi kèm trong rượu bia kém chất lượng.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia là tình trạng tích tụ mỡ trong tế bào gan, với tỷ lệ mắc bệnh dao động trong khoảng 15 - 30% dân số và ngày càng phổ biến. Trước đây, rất nhiều người nghĩ rằng bệnh không có gì nguy hiểm, nhưng 10 - 20% bệnh nhân gan nhiễm mỡ kèm men gan tăng có thể diễn tiến thành xơ gan hay ung thư gan. Gan nhiễm mỡ thường liên quan với tình trạng thừa cân hay béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động thể lực...

Biến chứng nguy hiểm

Các triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi B, C mạn tính, bệnh gan do rượu bia và gan nhiễm mỡ thường rất mờ nhạt, chỉ một số ít bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hay đau nhẹ vùng gan. Do đó, người bệnh thường chủ quan không nghĩ mình có bệnh. Tuy nhiên, sau nhiều năm diễn tiến, tất cả các loại bệnh gan mạn tính đều có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hay ung thư gan. Các triệu chứng như vàng da, phù chân hay bụng có nước đều là những biểu hiện muộn, khi bệnh nhân đã có xơ gan.

Biện pháp điều trị thích hợp

Đối với viêm gan siêu vi B mạn tính, thông thường, những bệnh nhân có men gan bình thường thì chưa cần điều trị, nhưng cần tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa gan mật 3 - 6 tháng/lần để theo dõi nồng độ men gan, bởi bệnh có thể âm thầm diễn tiến sang thể bệnh có men gan tăng và cần được điều trị sau đó. Những bệnh nhân có nồng độ men gan tăng và nồng độ siêu vi trong máu cao cần được chỉ định dùng thuốc đặc trị ngay.

Đối với bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính, trong vài năm gần đây, y học đã có thuốc uống đặc trị, 99% bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn.

Khi phát hiện bệnh gan do rượu bia hay gan nhiễm mỡ, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ với bác sĩ chuyên khoa gan mật. Biện pháp điều trị là hạn chế rượu bia, kiêng ăn ngọt và dầu mỡ, tập thể dục đều đặn hằng ngày, điều trị tốt các bệnh đi kèm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và sử dụng một số thuốc hỗ trợ gan.

Nếu phát hiện muộn khi bệnh đã diễn tiến đến xơ gan mất bù hay ung thư gan, điều trị rất khó khăn và tốn kém. Bệnh nhân thường phải nhập viện nhiều lần và thời gian sống không lâu.

Cách phòng ngừa và phát hiện bệnh

Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh gan mạn tính là khám bác sĩ chuyên khoa gan mật để được chỉ định các xét nghiệm máu xem có tình trạng tăng nồng độ men gan, nhiễm viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C hay không và siêu âm bụng để xem có gan nhiễm mỡ hay không…

Nếu kết quả tầm soát cho thấy không có bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp phòng ngừa các loại bệnh gan. Đặc biệt, bác sĩ sẽ tư vấn có cần phải tiêm vaccine phòng viêm gan siêu vi B hay không. Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh lý này.

Nếu kết quả tầm soát cho thấy có bệnh viêm gan siêu vi B hay viêm gan siêu vi C mạn tính, ngoài tư vấn về biện pháp điều trị và cách theo dõi bệnh định kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho người thân. Cách tốt nhất để phòng ngừa là người thân của bệnh nhân nên tầm soát bệnh viêm gan và chích ngừa viêm gan siêu vi B nếu chưa có kháng thể bảo vệ.