Thông tin Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, hiện tại, bệnh viện đón tiếp gần 1.000 lượt người bệnh/ngày. Bệnh viện đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh để nâng cao sự hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Thực tế, khâu tiếp đón tại bệnh viện đang chỉ thuần lấy số thứ tự để vào quầy làm thủ tục nên chưa giảm tải được cho khâu tiếp đón. Chưa nhận diện chính xác người bệnh mới/cũ để phân luồng người bệnh tự động khi đăng ký khám bệnh.
Chưa xác thực tự động được CCCD gắn chip của người bệnh là CCCD thật hay giả, có do chính Bộ Công An ban hành? Chưa xác minh tự động được người bệnh đang thực hiện đăng ký khám là chủ nhân của bảo hiểm y tế (BHYT) và CCCD gắn chip. Đang phải nhận diện thủ công người bệnh đăng ký khám BHYT/người bệnh nội trú.
Chưa tự động được quy trình thanh toán các loại phí trong quá trình làm thủ tục vẫn cần sự hỗ trợ của nhân viên bệnh viện; chưa đa dạng các hình thức thanh toán.
Thực hiện Công văn số 3886/SYT-KHTC về việc triển khai mô hình điểm nhằm đẩy mạnh việc triển khai Đề án 06/Chính phủ cụ thể triển khai mô hình 7 “Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ” tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ" được triển khai với mục tiêu, người bệnh có thể tự đăng ký khám bệnh và thanh toán phí đăng ký khám nhanh chóng và dễ dàng. Sử dụng thông tin CCCD gắn chip, khuôn mặt là dữ liệu xuyên suốt trong quá trình đăng ký, khám chữa bệnh.
Máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt được Bệnh viện lắp đặt tại sảnh khoa Khám bệnh của bệnh viện. Khi người bệnh lấy số, số thứ tự sẽ được máy kết nối vào khu đăng ký khám bệnh, bằng thao tác nhấn vào màn hình đơn giản, người bệnh có thể dễ dàng nhận số thứ tự vào làm thủ tục khám. Để giúp người dân không bị bỡ ngỡ, bệnh viện đã bố trí cán bộ y tế thường trực để hướng dẫn sử dụng.
TS Nguyễn Đình Phúc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, với cách tiếp nhận bệnh nhân qua cách truyền thống, người bệnh phải qua quầy tiếp đón và làm một số thủ tục hành chính liên quan đến nhiều giấy tờ, việc đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động này giúp người dân giảm được rất nhiều thời gian.
Trong lần đầu tiên đến khám bệnh người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt để đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, cũng như thanh toán viện phí.
Đối với những lần hẹn khám bệnh tiếp theo thì tất cả thông tin của người bệnh đã được lưu trữ trên phần mềm, người bệnh chỉ cần nhận diện khuôn mặt là có thể đăng ký các dịch vụ khám chữa bệnh, sau khi đăng ký người bệnh được nhận ngay phiếu khám và đến trực tiếp nơi làm các dịch vụ kỹ thuật mong muốn.
Việc sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động giúp người bệnh thuận tiện trong việc đăng ký khám bệnh, không phải xếp hàng chờ đợi, rút ngắn thời gian, giảm tải các thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đồng thời, giúp các y bác sĩ chủ động tiếp nhận thông tin của người bệnh, theo dõi, truy cập lịch sử khám bệnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn.
“Trong quá trình sử dụng bệnh viện sẽ có những đánh giá để có thể triển khai và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới tại đơn vị, góp phần hoàn thiện hơn quy trình khép kín ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu khám chữa bệnh, từ tiếp nhận hồ sơ đến khám bệnh và điều trị tại bệnh viện, nâng cao hơn chất lượng khám chữa bệnh cho người dân” - TS Nguyễn Đình Phúc cho hay.
Thực hiện Công văn số 3886/SYT-KHTC về việc triển khai mô hình điểm. Thực hiện Thông báo số 10/TB-TGV ngày 15/8/2023 của Ban chỉ đạo Đề án 06 TP Hà Nội về việc triển khai Đề án 06/Chính phủ.
Sau khi nghiên cứu, Sở Y tế đăng ký kiển khai mô hình 7 “Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ” tại 3 cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc gồm: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.