Bệnh viện Hà Đông vướng mắc trong xã hội hóa trang thiết bị y tế

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/4, Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội do Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BV (BV) Đa khoa Hà Đông về tình hình mua sắm và quản lý sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) giai đoạn 2011 - 2016.

Báo cáo đoàn giám sát, Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, mặc dù được TP và Sở Y tế quan tâm đầu tư nhưng đến nay TTBYT của BV còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh. Thậm chí, chiểu theo chuẩn danh mục kỹ thuật dịch vụ y tế đi kèm với các TTBYT của một BV hạng I thì ở BV Hà Đông vẫn chưa được đầy đủ. Trong khi đó, giai đoạn 2017 - 2018 sắp tới, BV tiến tới tự chủ tài chính (hiện đã tự chủ được 91%) nên nếu không được phát triển về TTBYT sẽ khó có thể cạnh tranh được với các BV lân cận. Giám đốc BV cho biết thêm, hiện BV đã trình TP đề án liên kết với một đơn vị tư nhân để thành lập Trung tâm Sản - Nhi với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2018 và đưa vào sử dụng vào năm 2019.
Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội kiểm tra hệ thống máy xét nghiệm tại BV Hà Đông.
Theo báo cáo của BV, giai đoạn 2011 - 2016, BV đã được đầu tư 111 thiết bị y tế với tổng kinh phí hơn 79,245 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước cấp gần 42 tỷ đồng, nguồn kinh phí dự án cấp là 30,188 tỷ đồng và nguồn kinh phí xã hội hóa là hơn 7 tỷ đồng. Các máy móc, thiết bị được đầu tư sau khi tiếp nhận đã được đưa ngay vào sử dụng. Các trang thiết bị hiện có đều trong tình trạng hoạt động tốt và được phân công cán bộ quản lý, sử dụng. BV cũng ban hành quy chế quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước trong đó bao gồm quy chế quản lý trang thiết bị y tế. Đồng thời, bố trí kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đảm bảo đầy đủ thiết bị phục vụ bệnh nhân.

Đối với việc thanh lý tài sản, trang thiết bị y tế, BV thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước năm 2015 và đã thanh lý một số trang thiết bị y dụng cụ… Năm 2016, BV đã tiến hành kiểm kê thiết bị tại các khoa phòng và lập danh mục trang thiết bị hư hỏng, không có khả năng sửa chữa, khắc phục. Ngoài ra, BV cũng đã ký hợp đồng với Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế để kiểm định và đánh giá lại trang thiết bị trình các cấp để làm thủ tục thanh lý theo quy định.

Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong quản lý và đầu tư TTBYT, Giám đốc BV Hà Đông cho biết, nguồn kinh phí đầu tư cho TTBYT chưa nhiều, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu còn ít cũng là trở ngại cho BV trong khóa trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Qua đó, BV cũng kiến nghị được tăng cường đầu tư TTBYT cho BV bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, có cơ chế đào tạo nhân lực kỹ thuật sử dụng trang thiết bị y tế; trang bị phần mềm quản lý trang thiết bị y tế một cách đồng bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, công tác xã hội hóa TTBYT của BV trong thời gian qua chưa đạt được yêu cầu. Mặc dù là BV hạng I nhưng nguồn vốn đầu tư TTBYT từ xã hội hóa của BV chỉ chiếm 2,8% tổng nguồn XHH y tế của TP. Vì vậy, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu BV Hà Đông cần làm tốt công tác xã hội hóa vì nguồn ngân sách Nhà nước có hạn mà nhu cầu của BV ngày càng lớn. Đồng thời, BV cần xác định rõ những chuyên khoa thế mạnh của mình để đầu tư và phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần