Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế

Bệnh viện rà soát, xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 13 của Bộ Y tế mới ban hành quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) của các bệnh viện công. Đây là thông tư quan trọng, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng KCB, giúp bệnh nhân, nhân viên y tế đều hưởng lợi.

Thống nhất mức giá

Nhiều năm nay, các bệnh viện trong cả nước đã triển khai dịch vụ KCB theo yêu cầu. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể về khung giá chung nên mỗi bệnh viện đưa ra một giá khác nhau, chưa thống nhất.

Vì vậy, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT (Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu do cơ sở KCB của Nhà nước cung cấp đã hướng dẫn chi tiết cho các bệnh viện về các nội dung liên quan đến KCB theo yêu cầu.

Thông tư nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định. Thông tư này có có hiệu lực từ ngày 15/8 tới.

Người dân được tiếp đón tại Bệnh viện Bạch Mai.
Người dân được tiếp đón tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đồng thời, thông tư cũng là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để các bệnh viện dựa vào đó ban hành giá kỹ thuật cho dịch vụ KCB theo yêu cầu. Đây cũng là thông tư quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bệnh viện và nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Hiện, các bệnh viện đang rà soát để xây dựng lại giá phù hợp và đảm bảo không vượt quá khung giá trên để có thể triển khai.

Theo tìm hiểu của PV, tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày KCB khoảng 6.000- 8.000 lượt người bệnh, cao điểm có dịp lên đến hơn 8.000 lượt người bệnh. Tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện, hiện giá khám bệnh theo yêu cầu cao nhất được quy định là 150.000 đồng/lượt. Mức giá này thực hiện theo giá bảo hiểm y tế (BHYT) quy định và chỉ thu thêm một phần để chi trả tiền ngoài giờ cho bác sĩ.

Trong 3 năm qua, hầu hết giá khám và giá dịch vụ khác đều là theo giá BHYT. Giá khám của GS.PGS là 150.000 đồng/ lượt; TS và BSCKII là 120.000 đồng/lượt; Thạc sĩ và BSCKI là 70.000 đồng/ lượt, tuy nhiên, mức thu như vậy ở một bộ phận người dân khám theo yêu cầu.

Từ sau đại dịch Covid-19, đây là cơ sở y tế tuyến cuối, luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, với mức giá khám bệnh theo yêu cầu này, bệnh viện khó đảm bảo thu nhập cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao và không thể phát triển các dịch vụ chất lượng cao.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày KCB khoảng 6.000- 8.000 lượt người bệnh, cao điểm có dịp lên đến hơn 8.000 lượt người bệnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày KCB khoảng 6.000- 8.000 lượt người bệnh, cao điểm có dịp lên đến hơn 8.000 lượt người bệnh.

Nêu quan điểm về Thông tư 13, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, Thông tư 13 hết sức mở cho các bệnh viện. Bởi vì không quy định, cố định giá mà có dải giá từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện, điều kiện cơ sở vật chất.

Thực tế, hiện nay, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao, một bộ phận người dân đi nước ngoài KCB tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Vì vậy, thông tư này sẽ đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân và giữ chân một bộ phận người dân ra nước ngoài.

“Thông tư lần này cũng cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện được các hợp tác công tư và liên doanh, liên kết hợp tác. Đặc biệt, có thể hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài, bệnh viện, chuyên gia y tế nước ngoài để KCB cho người dân ở trong nước” – PGS.TS Đào Xuân Cơ nêu rõ.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trước đây, giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa là 450.000 đồng/lượt. Tuy nhiên cách đây một thời gian, bệnh viện đã chủ động điều chỉnh giá khám tối đa 300.000 đồng/lượt, không có sự phân biệt khi khám GS hay bác sĩ giỏi.

Về giá giường bệnh dịch vụ tại bệnh viện hiện là 2,2 triệu/ giường/ phòng. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có 7 phòng bệnh có giường ở mức giá này. Giường dịch vụ thấp nhất giá 320.000 đồng/ giường.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám bệnh cho người dân.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện thăm khám khoảng 4.500 - 5.000 lượt người bệnh, trong đó, khoảng 30% khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện cũng đã đưa ra yêu cầu các chuyên gia hạn chế số khám theo yêu cầu tối đa trong một ngày để đảm bảo dành phần lớn thời gian phục vụ người bệnh khám thông thường.

Đề cập đến Thông tư 13, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc ban hành Thông tư 13 của Bộ Y tế là kịp thời để đón đầu cho Luật KCB sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

“Thông tư 13 tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng KCB, điều này giúp cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi. Việc Bộ Y tế quy định dải giá rộng như thế, tạo điều kiện cho các bệnh viện sẽ lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Nguồn tham khảo cụ thể để xây dựng giá phù hợp

Thông tư 13 cũng là cơ sở để các bệnh viện đa khoa hạng I có thể áp dụng và xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng để đáp ứng theo các mức giá khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay: “Để xây dựng giá KCB phù hợp với từng bệnh viện thì các bệnh viện phải nghiên cứu kỹ về cơ sở hạ tầng, trình độ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có đáp ứng được không? Hay nhóm bệnh nhân vào bệnh viện ở phân khúc nào. Họ sẵn sàng chi trả khoảng bao nhiêu?

Bởi, nếu chúng ta xây dựng giá quá cao, vượt phân khúc thì bệnh nhân cũng không đến với mình. Ngược lại, bệnh viện không đáp ứng được cơ sở hạ tầng, điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật của nhân viên y tế thì cũng không đảm bảo”.

Qua khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh.
Qua khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh.

TS Nguyễn Văn Thường cũng thông tin, sau khi có Thông tư 13, chúng tôi tham khảo có thể sẽ phải xây dựng lại. Nhưng bệnh viện cũng phải tính đến nhóm bệnh nhân có thể vào bệnh viện. Nếu xây dựng giá cao quá, người bệnh không đến bệnh viện thì lại không có tác dụng.

Thông tư 13 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để bệnh viện có căn cứ vào cơ sở xây dựng bảng giá cho phù hợp. Giá dịch vụ KCB theo yêu cầu được xây dựng trên 6 yếu tố bao gồm: Chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý đề phòng rủi ro, khấu hao tài sản và chi phí tích lũy để tái đầu tư.

Qua khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh. Ở tuyến huyện, hầu như không có. Với những trường hợp có BHYT vẫn được thanh toán theo quy định.

Để xây dựng khung giá này, thời gian qua, Bộ Y tế đã khảo sát gần 100 bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện có cung ứng dịch vụ KCB theo yêu cầu. Với Thông tư 13, khung giá khám bệnh theo yêu cầu quy định từ 500.000 đồng/lượt đối với hạng đặc biệt và thấp nhất là trên 30.000 đồng.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế Dương Đức Thiện cho biết, trước đây, các cơ sở KCB đang triển khai cung ứng dịch vụ KCB theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Hiện nay, với thông tư này, các cơ sở y tế có một nguồn tham khảo cụ thể để xây dựng giá KCB phù hợp với điều kiện của cơ sở y tế và đảm bảo đúng quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, mục đích ban hành thông tư này là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở KCB phát triển và cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế. Hướng dẫn cơ sở KCB xây dựng bảng giá dịch vụ KCB theo yêu cầu đúng quy định.

Hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài KCB và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài KCB tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.

Bộ Y tế nhấn mạnh, giá dịch vụ KCB theo yêu cầu chỉ áp dụng cho người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT hoặc không có nhu cầu KCB tự nguyện.

Việc ban hành khung giá KCB theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài.
Việc ban hành khung giá KCB theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

Do đó, với các bệnh viện đang thực hiện giá cao hơn mức quy định, tức là trên 500.000 đồng/lượt khám, Bộ đã yêu cầu rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với khung giá ban hành. Đồng thời, các cơ sở y tế khi ban hành giá dịch vụ theo yêu cầu cần phải đánh giá về cơ sở hạ tầng và chất lượng điều trị.

Với trường hợp KCB tại bệnh viện không phải là bệnh nhân chuyển tuyến, khi không có nhu cầu KCB theo yêu cầu, bệnh viện không được phân luồng, ép buộc KCB theo yêu cầu và được lựa chọn KCB theo đúng quy định. Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ KCB theo yêu cầu.

Theo các chuyên gia, việc ban hành khung giá KCB theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

 

Theo Thông tư 13 dải giá rộng, tối đa là 500.000 đồng/lượt khám, Bệnh viện Bạch Mai đang nghiên cứu để có thể xây dựng mức giá phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, không áp dụng đồng loạt giá cao mà người dân có sự lựa chọn dải giá khi tới KCB theo yêu cầu tại bệnh viện. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang rà soát, để sớm bàn thảo, xây dựng và ban hành mức giá khám bệnh theo yêu cầu để thực hiện từ ngày 15/8/2023 khi Thông tư 13 có hiệu lực.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai