70 năm giải phóng Thủ đô

BHXH kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Viêt Nam đã triển khai đồng loạt các giải pháp để hỗ trợ tốt nhất các DN, người lao động (NLĐ) như đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ trong ngày…

Một trong các giải pháp quyết liệt, hiệu quả được BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh triển khai đó là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hàng loạt dịch vụ công (DVC) và các quy trình, phần mềm nghiệp vụ của ngành. Giải pháp này đặc biệt phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ đó, đã kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đến với NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch một cách thuận lợi, đơn giản nhất.
Kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy trình,
Để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và NSDLĐ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ nhằm bổ sung chức năng, đáp ứng kịp thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23.
Trong đó, BHXH Việt Nam đã bổ sung các chức năng như: Quản lý đơn vị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Xác nhận danh sách NLĐ tham gia theo hồ sơ quy định. Quản lý đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề;...
Kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đến với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch một cách thuận lợi, đơn giản nhất.
Đồng thời, BHXH đẩy mạnh triển khai cung cấp các DVC trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN) cung cấp trên các phần mềm của I-VAN, gồm 6 DVC:
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (đã cung cấp từ tháng 4/2020 theo quy định của Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).
Hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.
Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương.
Hỗ trợ NLĐ ngừng việc.
Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Kết nối, tích hợp cung cấp 5 DVC hỗ trợ NLĐ, DN theo Nghị quyết số 68.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 DVC trực truyến hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng DVC Quốc gia. Cụ thể, 5 DVC gồm:
Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.
Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Hỗ trợ NLĐ ngừng việc.
Hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất.
Để sử dụng các DVC này, NLĐ và NSDLĐ đăng nhập Cổng DVC Quốc gia tại địa chỉ https://www.dichvucong.gov.vn, vào mục “Hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và làm theo hướng dẫn.
Theo đó, quy trình thực hiện 5 DVC này trên Cổng DVC Quốc gia đã được đơn giản tối đa, NLĐ và NSDLĐ đăng nhập, khai và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia. Cổng DVC Quốc gia chuyển dữ liệu đã được ký số đến cơ quan BHXH xác nhận. Sau khi nhận được xác nhận (ký số) của cơ quan BHXH, Cổng DVC Quốc gia có trách nhiệm chuyển hồ sơ trực tuyến của NLĐ và NSDLĐ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh hoặc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp hệ thống Một cửa cấp tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu cho phép tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện việc tiếp nhận và cập nhật trạng thái, kết quả giải quyết theo tài khoản do Cổng DVC Quốc gia cấp.
Chủ động chia sẻ dữ liệu
Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 43 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn quốc gia về cấu trúc dữ liệu trao đổi với CSDLQG về bảo hiểm. Trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh/TP có nhu cầu khai thác dữ liệu, xác thực thông tin người tham gia, người hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã chủ động thực hiện cung cấp kịp thời các thông tin này để các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vaccine. Xác định thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động...
Để tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã ban hành công văn yêu cầu BHXH các tỉnh/TP phối hợp với Sở Y tế, Sở TT&TT đề xuất chia sẻ dữ liệu từ CSDLQG về bảo hiểm qua Trục tích hợp quốc gia (NGSP) của Bộ TT&TT.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng DVC BHXH Việt Nam và Cổng DVC Quốc gia đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, chính xác, đúng người hưởng, không bị trùng lặp, không có tình trạng trục lợi chính sách; giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH trong việc giải quyết chế độ, chính sách, nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch.
Xác định ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, kịp thời hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt, toàn diện công tác này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho NLĐ và NSDLĐ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Qua đó, góp phần cùng các bộ, ban, ngành, địa phương chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội.