Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BHYT thực sự là cứu cánh cho người bệnh trong bão lũ

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 50 ngày điều trị tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, chiến đấu ngoan cường với tử thần để giành giật sự sống, “cô bé Làng Nủ”, nạn nhân cuối cùng vụ lũ quét thôn Làng Nủ trong hoàn lưu siêu bão Yagi thảm khốc đã được xuất viện.

Sự hồi sinh thần kỳ của cô bé Làng Nủ

Cô bé Làng Nủ M.H.T.N. (11 tuổi) được đội cứu hộ tìm thấy sau một giờ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai hồi tháng 9.

Qua 2 lần chuyển viện từ BV huyện Bảo Yên đến BV tỉnh Lào Cai (đã mở khí quản, thở máy), bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai trong tình trạng hết sức nguy kịch, hôn mê sâu, tụt huyết áp…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ chúc mừng “cô bé Làng Nủ” và gia đình trong ngày xuất viện. Ảnh: BVCC
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ chúc mừng “cô bé Làng Nủ” và gia đình trong ngày xuất viện. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi được chụp CT sọ não cho thấy có chấn thương sọ não, phù não lan tỏa. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chuyển Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai để điều trị tích cực. BV đã hội chẩn toàn viện, thành lập tổ công tác đặc biệt, tập trung cứu chữa cho cháu bé.

Bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, suy hô hấp nặng, tổn thương viêm phổi nặng (ARDS) do đuối nước và hít phải bùn đất chấn thương gan độ 3, gãy 1/3 xương đòn phải, theo dõi tụ máu dưới màng bán cầu não trái, theo dõi nhiễm khuẩn suy đa tạng.

Thời điểm ấy, tình trạng viêm phổi của bệnh nhân trầm trọng do ứ nước và bùn đất. Suốt 4 ngày rửa lọc phổi, dịch từ phổi vẫn đục ngầu bùn cát. Vì vậy, Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ đã kết nối, mời các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp tới BV hội chẩn cùng các y bác sĩ, chuyên gia.

Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi được theo dõi sát sao từng thông số cận lâm sàng, từng biểu hiện lâm sàng để có những phác đồ, chiến lược và xử trí phù hợp với diễn biến bệnh. Những tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện, bé N được cai thở máy, cử động tại giường.

Sau đó, bé N. được tập phục hồi chức năng, đi lại, tiếp xúc tốt, thở khí phòng. Ngày 1/11, cô bé Làng Nủ đã được xuất viện để trở về với gia đình. BV Bạch Mai nhận định, sự phục hồi này là một kỳ tích y khoa.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, những ngày qua, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã cố gắng hết sức, làm việc không mệt mỏi, từng ngày, từng giờ để chăm sóc, đồng hành cùng người bệnh trong hành trình hồi phục.

Nhờ sự hỗ trợ to lớn từ lãnh đạo các cấp, sự đồng hành của chính sách an sinh xã hội cùng những ý kiến tham góp quý báu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, cô bé Làng Nủ đã có sự hồi sinh kỳ diệu từ những mong manh, tuyệt vọng nhất.

Đặc biệt, để có nguồn lực điều trị cho người bệnh, BV Bạch Mai nhận được sự phối hợp chặt chẽ của BHXH Hà Nội ngay từ đầu, cung cấp thông tin về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tổng số tiền Quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhi là gần 600 triệu đồng.

Dấu ấn an sinh trong bão lũ

Có thể thấy, thời gian qua, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, TP phía Bắc. Trong đó, Hà Nội và Quảng Ninh có nhiều tuyến phố ngập sâu, cây cối, cột điện đổ gây cản trở giao thông, làm gián đoạn hoạt động của một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Trong bối cảnh đó, ngành BHXH và y tế của Hà Nội, Quảng Ninh đã khẩn trương phối hợp cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bệnh BHYT.

Còn nhớ có thời điểm BV Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) bị ngập sâu do mực nước sông Hồng dâng cao. Đây cũng là khoảng thời gian, 159 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Hòe Nhai được kịp thời chuyển đến BV Thận Hà Nội, BV Đa khoa Xanh Pôn tiếp tục điều trị khi không cần giấy chuyển viện mà vẫn bảo đảm quyền lợi thanh toán BHYT.

Bệnh nhân Hoàng Thị Hải Yến (60 tuổi, quận Ba Đình) điều trị tại Bệnh viện Hòe Nhai.
Bệnh nhân Hoàng Thị Hải Yến (60 tuổi, quận Ba Đình) điều trị tại Bệnh viện Hòe Nhai.

Nhờ sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của các cấp, ngành, trong đó có cơ quan BHXH nên người bệnh BHYT hoàn toàn yên tâm điều trị tại cơ sở mới.

Là một trong những bệnh nhân được di chuyển khẩn cấp khi nước sông Hồng dâng cao, ông Lê Văn Sinh (74 tuổi, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) chia sẻ, ông đã chạy thận ở đây suốt 11 năm. Khi thấy nước dâng, các y bác sĩ đã nhanh chóng di chuyển ông thẳng tới BV Thận Hà Nội để tiếp tục điều trị. Mọi thủ tục BHYT đều được giải quyết nhanh chóng nên ông thực sự yên tâm.

Hay như bà Hoàng Thị Hải Yến (60 tuổi, quận Ba Đình) phải đối mặt với bệnh đái tháo đường trong suốt 25 năm và giờ bà phải chạy thận định kỳ. Khi nước lũ dâng, bà cũng được cơ quan BHXH tạo điều kiện chuyển đến BV Thận Hà Nội và được y bác sĩ điều trị, chăm sóc chu đáo. Chính sự phối hợp nhịp nhàng giữa các BV cùng với thủ tục nhanh gọn nên bà Yến rất hài lòng với dịch vụ chăm sóc tại BV Thận Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết - Phó Trưởng khoa Thận nhân tạo (bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân thận nhân tạo ở BV Hòe Nhai) chia sẻ, thời điểm tháng 9/2024, BV đã điều trị thường xuyên cho 159 bệnh nhân thận nhân tạo.

Mỗi tuần, các bệnh nhân phải đến BV 3 lần để lọc máu và lấy thuốc, với chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các bệnh nhân tuổi cao, mắc nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp… khiến chi phí điều trị rất lớn. Vì vậy, với họ, BHYT thực sự là cứu cánh quan trọng.

Trong bối cảnh đó (trước khi nước sông Hồng dâng cao), BHXH Hà Nội đã chủ động đề nghị các cơ sở KCB đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đồng thời, các cơ sở KCB phối hợp kịp thời giải quyết vướng mắc thủ tục KCB BHYT, đảm bảo tất cả người bệnh được KCB thuận lợi và nhanh nhất, không yêu cầu người bệnh phải có giấy chuyển tuyến trong trường hợp cấp cứu.

Đặc biệt, tại những cơ sở KCB bị ngập lụt, chia cắt, mất điện như BV Hòe Nhai (Hà Nội), các thủ tục được kịp thời giải quyết nhanh chóng, giúp người bệnh được chuyển đến BV khác để KCB mà vẫn luôn đảm bảo quyền lợi BHYT, không cần giấy chuyển viện.

Có thể thấy, với tinh thần khẩn trương, hành động quyết liệt, BHXH Hà Nội đã giúp người dân an tâm chữa bệnh, vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn thiên tai, bão lũ. Đây là minh chứng điển hình trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân của ngành BHXH ở mọi hoàn cảnh.