Doanh nhân tiêu biểu bị xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 8/6, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Thuduc House với 67 bị cáo thuộc nhiều nhóm tội danh. Trong đó, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Thuduc House, gồm: Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (SN 1976, Tổng Giám đốc), Nguyễn Ngọc Trường Chinh (SN 1973, Phó Tổng Giám đốc), Quan Minh Tuấn (SN 1963, Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng kế toán ngân quỹ) bị xét xử 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1964, Trưởng phòng Kinh doanh kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Wood Trading - Công ty con của Thuduc House) bị xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Nguyễn Vũ Bảo Hoàng có học vị Tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, là doanh nhân trẻ tiêu biểu, nhưng bị xét xử 2 tội, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy bị cáo Hoàng cùng thuộc cấp thực hiện hành vi lừa đảo ra sao, chiếm đoạt bao nhiêu tiền, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước bao nhiêu?
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, đầu năm 2018 đến tháng 5/2020, Trịnh Tiến Dũng (SN 1973, cầm đầu, đang bị truy nã) chỉ đạo đồng phạm thực hiện chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT thông qua các hợp đồng mua bán linh kiện điện tử (LKĐT) giữa Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hoàng Nam Anh với 10 công ty nước ngoài và 18 công ty trong nước do Dũng cùng đồng phạm lập ra và điều hành để chiếm đoạt 538.173.832.255 đồng.
Theo đó, Trịnh Tiến Dũng và A Lưu (Zi Hin Luke, quốc tịch Singapore, không xác minh được nhân thân) sử dụng các công ty trong nước và nước ngoài do Dũng điều hành ký nhiều hợp đồng mua bán LKĐT với 2 công ty do Nguyễn Văn Lành (SN 1967) làm giám đốc là: Công ty TNHH Bình Thạnh (Công ty Bình Thạnh), và Công ty TNHH An Lành Phát (Công ty An Lành Phát) để xuất khẩu. Hai bên thỏa thuận nhóm của Dũng chỉ định hàng hóa, đối tác ký hợp đồng đầu vào, đầu ra, giá mua, giá bán; Lành được hưởng 0,6%/tổng trị giá hàng hóa; đối tác nước ngoài thanh toán trước 100% giá trị tiền hàng, Lành ứng trước 10% tiền thuế GTGT và lập hồ đề nghị khấu trừ thuế để đối trừ tiền thuế GTGT đã chuyển cho các công ty của Dũng. Do không được Nhà nước hoàn thuế GTGT nên 2 công ty của Lành không đủ khả năng tài chính.
Vào tháng 2/2017, Lành gặp Tuấn và Ngọc (nhóm Thuduc House) để bàn bạc và thống nhất việc mua, bán, xuất khẩu LKĐT. Theo đó, Lành sử dụng 2 công ty của mình ký hợp đồng bán LKĐT cho Thuduc House để xuất khẩu cho các công ty ngoài nước do Lành chỉ định, trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa. Sau đó, Thuduc House lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT để thu hồi số tiền thuế GTGT đã chuyển cho các công ty của Lành và Thuduc House được hưởng 0,6%/tổng trị giá tiền hàng bán ra.
Lập 334 hợp đồng giả tạo để hợp thức hóa nguồn hàng
Từ tháng 2/2018 - 8/2019, Thuduc House chuyển cho công ty con là Wood Trading ký hợp đồng mua hàng với 2 công ty của Lành, rồi lập hợp đồng bán lại cho Thuduc House để xuất khẩu. Công ty Wood Trading được hưởng thêm 0,1%/tổng trị giá tiền hàng bán ra, 2 công ty của Lành làm trung gian được hưởng tiền chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra.
Toàn bộ việc lập, hợp thức hóa hợp đồng mua bán hàng, Trịnh Tiến Dũng giao cho Nguyễn Thiên Phú liên hệ Lành qua phần mềm Whatsapp để cung cấp thông tin các công ty nước ngoài, số lượng, chủng loại, đơn giá hàng... Căn cứ vào trị giá hàng hóa trên hợp đồng xuất khẩu, nhóm Trịnh Tiến Dũng thống nhất với Lành, sau đó Lành thống nhất với nhóm Thuduc House lập hợp đồng mua bán hàng giữa Công ty Bình Thạnh với Thuduc House và Công ty Wood Trading để hợp thức nguồn hàng đầu vào thấp hơn 0,6% trị giá trên hợp đồng xuất khẩu. Trị giá hàng hóa trên hợp đồng mua bán giữa Công ty Wood Trading với 2 công ty của Lành lại thấp hơn 0,1% so với trị giá hàng hóa trên hợp đồng giữa Thuduc House với Công ty Wood Trading.
Thực hiện thỏa thuận nêu trên, từ tháng 2/2018 - 6/2019, Thuduc House lập và ký 334 hợp đồng bán hàng hóa là LKĐT với 8 công ty nước ngoài gồm: Import & Export; Lam Enterprise Inc; Wzh Electronics Pte., Ltd; Meas Channy Import Export Co., Ltd; Abutech Solution Co., Ltd; Alcchalnak Trop Antarakcheat Pic; DSPSG Logistics Co., Ltd; Rothaydy Import Export Co., Ltd, với tổng trị giá hàng xuất khẩu là 158.974.366 USD (hơn 3.676 tỷ đồng). Các công ty nước ngoài đã chuyển khoản toàn bộ tiền theo hợp đồng cho Thuduc House.
Để hợp thức nguồn hàng đầu vào của 334 hợp đồng bán hàng cho nước ngoài, Thuduc House lập, ký 2 hợp đồng mua hàng của Công ty Bình Thạnh, tổng trị giá 17.164.030.653 đồng (tiền hàng hơn 15,6 tỷ đồng, tiền thuế GTGT hơn 1,5 tỷ đồng); lập và ký 332 hợp đồng với Công ty Wood Trading, tổng trị giá hơn 4.006 tỷ đồng (tiền hàng hơn 3.642 tỷ đồng; tiền thuế GTGT 10% hơn 364 tỷ đồng).
Công ty Wood Trading lại lập và ký 332 hợp đồng mua hàng từ 2 công ty của Lành với tổng trị giá hơn 4.002 tỷ đồng, tiếp đó Lành dùng 2 công ty của mình ký 333 hợp đồng mua hàng với 10 công ty nhóm Trịnh Tiến Dũng, tổng trị giá hơn 4.105 tỷ đồng (tiền hàng hơn 3.650 tỷ đồng, tiền thuế GTGT hơn 365 tỷ đồng).
Sau khi nhận được tiền của các 8 công ty nước ngoài, Thuduc House giữ lại 18.775.897.517 đồng (0,6% trên tổng trị giá các hợp đồng), bỏ thêm 365.789.851.541 đồng (10% thuế GTGT trên tổng số tiền hàng theo các hợp đồng ký với Công tỵ Bình Thạnh, Công ty Wood Trading), chuyển khoản cho Công ty Bình Thạnh 17.164.030.653 đồng; chuyển khoản cho Công ty Wood Trading hơn 4.006 tỷ đồng.
Khi nhận hơn 4.006 tỷ đồng, Công ty Wood Trading giữ lại hơn 3,6 tỷ đồng (0,1% trên tổng trị giá 332 hợp đồng mua hàng từ 2 công ty của Lành) và chuyển khoản cho 2 công ty của Lành hơn 4.002 tỷ đồng (tiền hàng và 10% thuế GTGT).
Thuduc House tiếp tay cho Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt hơn 365,4 tỷ đồng
Đối với Nguyễn Văn Lành, sau khi nhận của Thuduc House và Công ty Wood Trading số tiền hơn 4.019 tỷ đồng, Lành giữ lại 3.693.346.876 đồng (tiền chênh lệch trên hóa đơn đầu vào và đầu ra), chuyển khoản cho 10 công ty nhóm Trịnh Tiến Dũng hơn 4.015 tỷ đồng (tiền hàng và 10% thuế GTGT).
Nhận được hơn 4.015 tỷ đồng từ 2 công ty của Lành, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo đồng phạm không nộp 10% thuế GTGT; chỉ đạo nhân viên và thuê Lưu Thị Ngát hợp thức hóa việc kê khai thuế của 10 công ty ký hợp đồng, xuất hóa đơn cho 2 công ty của Lành với cách thức kê khai thuế GTGT đầu vào cao hơn thuế GTGT đầu ra để được khấu trừ thuế. Sau đó, chuyến tiền lòng vòng qua các công ty thuộc nhóm của Dũng và các công ty thuộc nhóm của Ngát để chuyển tiền ra nước ngoài, chuyển tiền trả nợ, chuyển tiền cho các cá nhân và thuê hàng chục đối tượng rút tiền mặt (tiền hàng và thuế GTGT) để chiếm đoạt tộng cộng 538.173.832.255 đồng tiền thuế GTGT.
Cũng trong khoảng thời gian từ tháng 2/2018 - 6/2019, Thuduc House sử dụng bộ hồ sơ xuất khẩu hàng hóa (đã hợp thức hóa nguồn hàng đầu ra, đầu vào) lập 17 bộ hồ sơ, đề nghị hoàn thuế và được Cục Thuế TP Hồ Chí Minh ra 17 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền 365.547.441.471 đồng. Đây chính là số tiền cáo trạng cáo buộc nhóm Thuduc House đã tạo điều kiện, giúp sức cho Trịnh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Lành chiếm đoạt. Trong đó, Thuduc House thu lợi bất chính 22.447.937.488 đồng (Thuduc House 18.775.897.517 đồng; Công ty Wood Trading 3.672.039.971 đồng). Riêng Nguyễn Văn Lành hưởng lợi 3.693.346.876 đồng và được nhận hoa hồng hơn 24 tỷ đồng, tổng số tiền Lành thu lợi bất chính là 27.700.920.389 đồng.
Cũng với thủ đoạn tương tự Thuduc House, trong vụ án này Công ty Sài Gòn Tây Nam (tỉnh Tây Ninh) ký 139 hợp đồng bán LKĐT cho nhóm Trịnh Tiến Dũng, gây thiệt hại hơn 153,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hoàng Nam Anh (tỉnh Đồng Nai) gây thiệt hại hơn 19,5 tỷ đồng.
Sau khi vụ án được phát hiện, từ ngày 1/4 đến 25/6/2021, Thuduc House đã nộp 365.547.441.471 đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.