Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bi kịch trẻ nhờn đòn roi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong một lần quá tức giận, ông bố lôi cô con gái học lớp 7 ra giữa đường đánh đập để cho con bớt lỳ mặt. Những lần sau, chỉ cần thấy bố nổi giận, cô bé đã… đi thẳng ra đứng ngay trước sẵn sàng chờ đòn với vẻ thách thức.

Khoái… bị đánh ngoài đường

“Thương cho roi cho vọt” - với quan niệm đó, không ít phụ huynh vẫn áp dụng đòn roi trong việc giáo dục con cái. Không những bộc phát trong lúc nóng giận, nhiều ông bố bà mẹ coi việc dùng đòn roi với con là biện pháp cần áp dụng mỗi lúc bảo con không nghe, hay ra tay với con bằng trận đòn “thiếu chết” để giúp con tiến bộ. Nhưng đây chính là nguyên nhân nhiều phụ huynh tự đẩy mình vào bi kịch bất lực khi đứa con nhờn đòn roi.


Bi kịch trẻ nhờn đòn roi - Ảnh 1
 
Bị chỉ bảo bằng bạo lực, trẻ dễ trở nên lỳ đòn và càng khó giáo dục. (Ảnh minh họa)
 
Câu chuyện của một người phụ nữ tên Trâm, 41 tuổi ở TPHCM chia sẻ tại một buổi chuyên đề về dạy con làm nhiều người phải suy ngẫm. Chị kể, sợ con hư sau này khó uốn nắn nên từ khi con còn nhỏ, những lúc quát nạt không xong, vợ chồng chị thường dùng bạo lực đối với con như tát, véo tai, đánh đòn… Mức độ “ra đòn” ngày càng tăng theo tuổi của con.

Anh chị cũng chẳng khi nào nhìn nhận lại việc đánh đòn có hiệu quả không, chỉ thấy con mình càng ngày càng bướng, bướng thì lại bị đánh. Chỉ gần đây, khi con bước vào độ tuổi lớn, chị thấy rõ đòn roi không làm cháu sợ mà cháu còn cố tình lặp lại những sai phạm vừa bị “xử lý” của mình theo kiểu công khai, thách đố. Cháu còn bất cần nói với người họ hàng: “Chẳng sợ gì hết, cùng lắm là bị uýnh, ông bà ấy giỏi thì uýnh chết”.

Khi người mẹ này nhận ra con mình đã mắc chứng lỳ đòn thì chị phải đối diện với sự thật rằng mọi cách tiếp cận khác với cháu như nói chuyện, trao đổi... đều quá khó vì không nhận được hợp tác của cháu. 

Tình cảm của chị Trâm rất giống với câu chuyện của một ông bố ở Nghệ An. Đứa con gái của người bố này học rất giỏi nhưng khi lên cấp 2, ở độ tuổi bộc lộ cá tính, cháu có những hành vi mà theo cha mẹ là rất “chướng tai gai mắt” như phản ứng lại người lớn, thích tụ họp bạn bè… nên ông bố thường xuyên đánh đòn con.

Một lần quá tức giận vì đứa con trốn đi chơi, ông bố lôi cô con gái ra giữa đường đánh đập, kêu nhiều hàng xóm ra xem nghĩ rằng để con chừa, không dám lỳ mặt. Đến khi đánh mệt người, ông bố đề nghị đứa con xin lỗi rồi sẽ tha nhưng… cô con gái không hé răng nửa lời.

Những lần sau, chỉ cần thấy bố nổi giận, đứa con còn chủ động ra đứng ngay trước nhà sẵn sàng chờ đòn. Chẳng còn xấu hổ hay lo bị người khác cười nhạo, cô con gái 14 tuổi thách thức: “Bố đánh ngoài này mọi người nhìn thấy cho thỏa lòng”.

Trường hợp ông bố ở Long An lên TPHCM tìm đứa con bỏ nhà đi bụi và “cầu cứu” đến các chuyên gia tâm lý còn đáng sợ hơn. Ông kể, khi nhỏ bị đánh con thường khóc lóc và xin lỗi nhưng sau đó cháu bất cần và còn có biểu hiện thích... ăn đòn, kể cả khi bị bố đánh trước mặt người khác. Ông bố trở nên bất lực trong lần cuối cùng khi chuẩn bị biết mình bị đánh, cháu tuyên bố: “Ông nói thì phải đánh cho đủ một trăm cái nha!”.

Trước khi bỏ nhà đi, cháu còn nói với mọi người chẳng qua mình yếu hơn bố, còn nếu to khỏe hơn thì sẽ phản kháng lại, không để ông động được đến người mình.

Đừng chà đạp cái tôi của trẻ

Theo các chuyên gia tâm lý, khi cha mẹ đánh đòn hay áp dụng những cách giáo dục dục xúc phạm đến trẻ, đứa con sẽ trở nên lỳ đòn do các em “nhờn thuốc”. Khi đó đứa trẻ trở nên lỳ lợm hơn, dám thách thức người khác vì các em chấp nhận việc mình sẽ bị đánh, bị bạo hành thân thể nên chẳng còn gì để sợ. Khi đứa trẻ lỳ đòn thì những phương pháp giáo dục khác rất khó vì đứa trẻ đã đánh mất niềm tin, thậm chí là lòng tự trọng của mình. Các em sẽ không còn xấu hổ, lo sợ các hành vi của mình có được người khác chấp nhận hay không.

 

ThS Trần Thị Ái Liên, cố vấn chính sách của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, từng giảng dạy tại Universty of California (Mỹ) cho hay rất nhiều cha mẹ ở Việt Nam dùng đòn roi để thể hiện quyền hành với con cái. Họ ít biết rằng khi bị la rầy, trách mắng hay đánh đập con người ta sẽ tiết ra một loại hoóc môn độc hại cho cơ thể mang tên Cortisol (còn được hiểu là hoóc môn gây căng thẳng). Điều này làm trẻ chậm phát triển toàn diện, có thể chất nhỏ bé, yếu đuối hơn và có thể là kém thông minh hơn.

Theo bà Liên, trong gia đình cần có những quy tắc ứng xử giữa cha mẹ và con cái dựa trên cơ sở tình thương chứ không phải bằng bạo lực. Đặc biệt cần giúp con hiểu về việc đúng sai của mình bằng nhiều biện pháp như lời nói nhẹ nhàng, phân tích đúng sai, cơ sở khoa học… và cần cho con thời gian để sửa lỗi.
 
“Đặc biệt cha mẹ phải cho con thấy chỉ có hành động xấu, còn đứa con luôn tốt. Và hãy để trẻ phân bua vì sao con lại làm như vậy và con muốn điều gì”, bà Liên nhấn mạnh.
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng TPHCM bộc bạch, trẻ cũng có cái tôi, có lòng tự trọng như người lớn nên việc bị người thân đánh đập, xúc phạm - nhất là điều này lại diễn ra trước mặt mọi người - đồng nghĩa với việc lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Khi bị phạt, trẻ có thể sợ nhưng trong tâm lý vẫn ngấm ngầm chống đối.

Nếu người lớn làm cho trẻ đánh mất lòng tự trọng của mình thì trẻ sẽ trở nên bất cần không còn muốn cố gắng, vươn lên trong học hành, cuộc sống. Vì thế, dù phạt hay mắng mỏ trẻ, người lớn cũng phải lưu ý giữ thể diện cũng như giá trị cho trẻ. Cũng đừng gieo vào lòng các em những ký ức kinh hoàng, có thể đi theo trẻ suốt cuộc đời.

Em Nguyễn Duy Hải, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2011 tâm sự rằng, khi lên lớp 8, có thể vì sự tò mò của một đứa trẻ mới lớn và bản tính ham khám phá” nên em sa vào việc mê chơi game, bố mẹ nhiều lần phải nhắc nhở. Nhiều đứa trẻ khác mê chơi bị bố mẹ đánh đập nhưng Hải may mắn khi bố mẹ không dùng đến đòn roi.

“Bố đã dẫn em đi phụ hồ cùng với bố để hai bố con trò chuyện và để em thấm thía được sự vất vả, nhọc nhằn khi kiếm được đồng tiền. Khi nhìn những giọt mồ hôi của bố, em tự hứa không ham chơi nữa, sẽ lo cho việc học”. Với cậu học trò ngày ấy, phương pháp không dạy con không đòn roi của bố cũng là động lực để cậu không ngừng cố gắng trong cuộc sống.