Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bị ong đốt nên sơ cứu thế nào?

Lan Anh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị ong đốt là trường hợp ngoài ý muốn không thể lường trước được. Nọc độc của ong có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì bị sưng tấy, đau nhức, nặng có thể bị phù nề, khó thở, suy hô hấp,…

Mới đây, ngày 18/6, Bệnh viện Uông Bí Quảng Ninh cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T. T., 13 tuổi (Mạo Khê, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng trên người có khoảng 10 nốt đốt, tập trung vùng đầu mặt, lưng và tay, đau rát nhiều vết đốt, xung quanh nề đỏ, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn đông máu. Trước đó, bé T. có trèo cây lấy vải thì bị ong vò vẽ đốt. Bé T. được cấp cứu và xử trí kịp thời tại cấp cứu Nhi. Sau 5 ngày điều trị tại khoa Nhi – Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, trẻ tiến triển tốt và được ra viện.

Bị ong đốt nên sơ cứu thế nào? - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Tương tự ngày 2/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, thông tin ba người được đưa đến cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái, chẩn đoán ban đầu xác định phản vệ mức độ nặng do ong đốt giờ thứ nhất. Sau khi được cấp cứu kịp thời, các bệnh nhân đỡ khó thở, các chỉ số sinh tồn ổn định dần về bình thường.

Theo các bác sĩ, ong đốt là tai nạn thường gặp, nhất là trong dịp nghỉ hè của học sinh. Bởi đây là mùa có nhiều loại hoa quả có mùi thơm, vị ngọt như dứa, vải, nhãn... thu hút rất nhiều loại côn trùng, nhất là loài ong. Vì vậy nguy cơ khi trẻ leo trèo hái quả bị ong đốt là rất cao.

Ong đốt có thể gây ra đau nhức tại vết đốt nhưng nếu vết đốt nhiều cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nặng hoặc triệu chứng nhiễm độc với tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong cao. Cần xác định được loài ong đốt là ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ... Vì đây là những loài ong nguy hiểm có nọc độc mạnh, có khả năng cao gây ra nhiều biến chứng toàn thân.

Khi bị ong đốt cần phải sơ cứu ban đầu bằng cách:

- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

- Rửa vết đốt bằng xà phòng và nước sạch hoặc khử trùng vết đốt bằng cồn 70 độ, dung dịch thuốc tím 0,1-0,2% nếu có điều kiện.

- Băng phủ nhẹ vết đốt bằng băng gạc sạch để bảo vệ và giữ sạch vết đốt.

- Uống nhiều nước để loại thải các độc tố.

- Có thể chườm lạnh vùng bị ong đốt để giảm đau và giảm phù nề. Chú ý việc tháo nhẫn, vòng đeo tay ở phần tay bị đốt để tránh chèn ép mạch máu khi có tình trạng phù nề xảy ra.

- Sau đó, theo dõi phát hiện các dấu hiệu bị dị ứng, nhiễm độc để kịp thời gọi nhân viên y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất và thuận tiện nhất nhằm kịp thời xử trí.

- Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế đối với các trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân, có vết đốt sưng nề nhiều và lan rộng, bị ong đốt nhiều chỗ với trên 10 vết đốt, có dấu hiệu bị nhiễm độc hoặc có biểu hiện bệnh lý toàn thân như khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng...

Bên cạnh đó, cần phòng tránh ong đốt bằng cách: tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không chọc phá tổ ong; không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động.