Lạm dụng thuốc tránh thai gia tăng nguy cơ đột quỵ
Thuốc tránh thai là phương pháp ngừa thai phù hợp và phổ biến đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có tình trạng hình thành huyết khối tĩnh mạch.
Gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã điều trị thành công hai bệnh nhân nữ trẻ tuổi bị đột quỵ do huyết khối xoang tĩnh mạch não. Đây là một bệnh lý nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ sót, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài.
Trường hợp thứ nhất là chị T.M. (36 tuổi, ở tỉnh Lạng Sơn). Ban đầu, bệnh khởi phát với triệu chứng đau đầu, dùng thuốc giảm đau thì đỡ và chị vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, 2 ngày sau, chị bị đau đầu dữ dội và được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng rối loạn ý thức, co giật toàn thể liên tục, hôn mê sâu, liệt tứ chi, giãn đồng tử.
Sau khi được chụp cắt lớp vi tính sọ não, các bác sĩ chẩn đoán chị T.M. bị chảy máu não lớn do huyết khối xoang tĩnh mạch. Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp, chị T.M. đã tỉnh táo, hiện đang tập phục hồi chức năng ngôn ngữ và vận động.
Theo các bác sĩ, chị T.M. đang sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày trong thời gian kéo dài và đây có thể là nguyên nhân gây xuất hiện huyết khối trong tĩnh mạch và dẫn đến đột quỵ.

Lạm dụng thuốc tránh thai có thể dẫn đến nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch. (Ảnh: Internet)
Tương tự, chị Vi Thị T. (quê ở Cao Bằng) cũng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng đau đầu, liệt nửa người trái và được chẩn đoán nhồi máu não liên quan đến việc uống thuốc tránh thai kéo dài. Sau hơn 1 tuần điều trị bằng thuốc, sức khỏe của chị T. đã được cải thiện, vận động bình thường. Mừng vì vợ qua cơn nguy kịch, những ngày này, chồng chị T. luôn ở bên chăm sóc và tập phục hồi chức năng cho vợ. Đồng thời, anh cũng chia sẻ, sau lần này, anh sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các biện pháp tránh thai, không để vợ phải đảm nhiệm một mình.
Không riêng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mới đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận hai bệnh nhân ngoài 30 tuổi bị đau đầu dữ dội, chẩn đoán đột quỵ, có tiền sử dùng thuốc tránh thai.
Bác sĩ Nguyễn Hải Linh - Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thuốc tránh thai là phương pháp ngừa thai phù hợp và rất phổ biến đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng được bởi thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có tình trạng hình thành huyết khối tĩnh mạch.
Thành phần estrogen trong thuốc tránh thai có thể kích hoạt quá trình đông máu thông qua việc tăng nồng độ fibrinogen và prothrombin - những yếu tố thúc đẩy hình thành cục máu đông. Đồng thời, estrogen cũng làm giảm protein S, một chất ức chế đông máu tự nhiên của cơ thể. Đối với những người mang đột biến gen Factor V Leiden, nguy cơ huyết khối khi dùng thuốc tránh thai có thể tăng gấp 20 - 30 lần. Từ đó sẽ dẫn đến nguy cơ hình thành huyết khối trong hệ tĩnh mạch, trong đó có tĩnh mạch não.
Cũng theo BS Nguyễn Hải Linh, ngoài thuốc tránh thai đường uống, các loại thuốc tránh thai nội tiết khác dùng đường tiêm hay miếng dán tránh thai có thành phần estrogen đều có nguy cơ gây nên tình trạng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch.
“Không phải tất cả mọi phụ nữ dùng thuốc tránh thai đều bị huyết khối tĩnh mạch. Tuy nhiên, nguy cơ này thường tăng lên ở những phụ nữ đang trong thời kỳ hậu sản, người thừa cân béo phì, các bệnh nhân có bệnh lý tự miễn, ung thư, hoặc bản thân và gia đình có tiền sử huyết khối, đột quỵ, bệnh về rối loạn chuyển hóa... Do đó những trường hợp này cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc tránh thai. Nếu có ý định sử dụng thuốc tránh thai hoặc đang dùng thuốc tránh thai, chị em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, làm xét nghiệm cần thiết và được tư vấn cách dùng an toàn, hiệu quả. Không tự ý sử dụng hoặc kéo dài thời gian uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ” - BS Nguyễn Hải Linh đưa ra lời khuyên.
Trong quá trình sử dụng thuốc tránh thai, bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, dùng thuốc giảm đau không đỡ, nhìn mờ hoặc liệt nửa người, méo miệng… thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
(Theo VOV.vn)

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý sản phẩm sữa, thuốc giả, thực phẩm giả
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sữa, thuốc giả, thực phẩm giả, ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Nguyễn Hồng Diên đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Danh sách các loại thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường
Kinhtedothi - Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại bị làm giả các thuốc đã được cấp phép lưu hành gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.

Đề xuất bổ sung xử phạt nghiêm hành vi buôn bán thuốc giả
Kinhtedothi - Hiện Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc online của các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.