Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý sản phẩm sữa, thuốc giả, thực phẩm giả
Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sữa, thuốc giả, thực phẩm giả, ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Nguyễn Hồng Diên đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Một trong số gần 600 nhãn hiệu sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc hậu kiểm về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm. Xây dựng kế hoạch hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tập trung kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (trên báo, đài và Internet); cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ. Chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan, tăng cường công tác lấy mẫu, để kiểm tra chất lượng hàng hóa đối với các đoàn kiểm tra tại các địa bàn. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phát ngôn, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu, cầm đầu thành lập DN, Công ty Rance Pharma, địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao cũng như các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Đới với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cần bám sát diễn biến của thị trường trong nước, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tại địa phương để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, sữa giả, thuốc giả.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tại địa phương tập trung triển khai công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi, giám sát thị trường nhằm phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đặc biệt tại các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên, trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc về công tác phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Tuy nhiên, thời gian gần đây lực lượng chức năng liên tiếp kiểm tra, phát hiện một số DN, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả tại một số địa phương. Đáng lưu ý là hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trích dẫn
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Quá trình điều tra, cảnh sát xác định, từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập DN Công ty Rance Pharma, địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc và Công ty Hacofood Group, địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội ) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả. Đến nay, đường dây này đã sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa bột các loại...

Bịt lỗ hổng, chặn sản xuất, phân phối sữa giả
Kinhtedothi - Gần đây, hai vụ án lớn liên quan đến sữa giả, kẹo rau củ Kera được quảng cáo “thổi phồng” công dụng liên tiếp bị triệt phá và khởi tố gây chấn động dư luận. Sau mỗi vụ án với những khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng từ hàng giả được phanh phui, dư luận lại đặt ra hàng loạt nghi vấn về việc tự công bố chất lượng sản phẩm, trách nhiệm quản lý, có hay không lỗ hổng pháp lý?...

Vấn nạn sữa giả, thuốc giả còn kéo dài bao lâu?
Kinhtedothi - Thông tin sữa giả, sữa kém chất lượng vừa được cơ quan chức năng phát hiện mới đây chưa hết xôn xao dư luận thì trên báo chí lại đăng tải vụ việc đường dây sản xuất thuốc giả lớn bị triệt phá.

Cử tri kiến nghị có chế tài mạnh xử lý người tham gia quảng cáo sữa giả, thuốc giả
Kinhtedothi - Sáng 18/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XV (Đơn vị bầu cử số 3) đã tổ chức tiếp xúc cử tri các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.