Bí quyết chống lại tin giả, tin sai sự thật của Phần Lan

Lê Lam (từ Helsinki)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một cuộc khảo sát được Viện Xã hội Mở ở Sofia (Bulgari) công bố hồi tháng 10 năm ngoái, lần thứ năm liên tiếp Phần Lan lại dẫn đầu về khả năng chống lại tin giả, tin sai sự thật trong số 41 quốc gia ở châu Âu.

Giáo dục truyền thông ở Phần Lan được thực hiện một cách đồng bộ với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức dân sự khác nhau, như trường học, thư viện, cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ.
Giáo dục truyền thông ở Phần Lan được thực hiện một cách đồng bộ với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức dân sự khác nhau, như trường học, thư viện, cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ.

Giáo dục truyền thông được đưa vào trường học

Sau Phần Lan, các quốc gia xếp hạng cao trong cuộc khảo sát năm 2022 lần lượt là Na Uy, Đan Mạch, Estonia, Ireland và Thụy Điển. Các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch nhất là Georgia, North Macedonia, Kosovo, Bosnia, Herzegovina và Albania.

Kết quả khảo sát được tính toán dựa trên điểm số về tự do báo chí, mức độ tin tưởng trong xã hội và điểm số trong các môn đọc, khoa học và toán. Báo cáo đánh giá: Phần Lan giữ được kết quả cao như vậy trong 5 năm liền nhờ hệ thống giáo dục có chất lượng tốt, mạng lưới truyền thông tự do và mức độ tin tưởng cao giữa người dân với nhau cũng như với Chính phủ.

Một lợi thế dễ nhận thấy nhất của Phần Lan trong việc chống lại thông tin sai lệch là giáo dục truyền thông được đưa vào trường học rất sớm ở mọi cấp học, từ nhà trẻ tới đại học.

Päivi Leppänen - chuyên gia tại Cơ quan Giáo dục Quốc gia của Phần Lan, cho biết: "Từ năm 2013, trường học Phần Lan đã bắt đầu đưa việc giáo dục truyền thông vào chương trình khung quốc gia và chiến dịch dạy học sinh phát hiện thông tin sai lệch được tăng cường trong những năm tiếp theo. Vào năm 2015, Tổng thống Sauli Niinisto đã kêu gọi mọi người dân Phần Lan có trách nhiệm đấu tranh chống lại thông tin sai sự thật".

Theo ông Leppänen “Mặc dù thanh thiếu niên ngày nay đã lớn lên cùng với mạng xã hội nhưng điều đó không có nghĩa là họ biết cách nhận diện và đề phòng, chống lại các bài báo bị các chính trị gia thao túng hoặc các video trên TikTok”.

Kiến thức truyền thông là một phần không thể thiếu trong giáo dục công dân ở các trường học Phần Lan. Học sinh Phần Lan nghiên cứu các chiến dịch tuyên truyền nổi tiếng trong lịch sử, tìm hiểu về quảng cáo và xem cách số liệu thống kê được sử dụng để đánh lừa mọi người. Họ tìm hiểu sự khác biệt giữa thông tin sai lệch và thông tin giả. Học sinh được học để tạo phương tiện truyền thông của riêng mình, chẳng hạn như trang web và video. Họ phát triển các thông điệp về các chủ đề khác nhau và trình bày chúng với các đồng nghiệp của họ để xin lời khuyên và nhận xét.

Tạo những cách tiếp cận đa dạng

Phó Giám đốc Viện Nghe nhìn Quốc gia Phần Lan, một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa - ông Leo Pekkala cho rằng: “Nhận ra thông tin sai sự thật là quan trọng, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của giáo dục truyền thông. Bản thân kiến thức truyền thông không phải là mục tiêu cuối cùng. Hiểu biết về phương tiện truyền thông giống như học một ngôn ngữ, vì vậy bạn có cả kỹ năng, kỹ thuật để sử dụng phương tiện và khả năng hiểu nó.”

Giáo dục truyền thông ở Phần Lan được thực hiện một cách đồng bộ với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức dân sự khác nhau, như trường học, thư viện, cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ. Ví dụ: Gần đây hơn 50 nhóm khác nhau đã tham gia vào một chiến dịch có tên là Ngày Internet an toàn hơn.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Giáo dục Truyền thông Phần Lan - một tổ chức phi Chính phủ - ngài Christa Prusskij cho biết: “Điều quan trọng là phải có nhiều bên liên quan tham gia vì không có giải pháp duy nhất. Truyền thông ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vì vậy cần có một cách tiếp cận đa dạng để tiếp cận họ.”

Khi mọi người hiểu biết về truyền thông, họ có nhiều khả năng tìm thấy các dữ liệu liên quan hơn, xem xét một vấn đề từ nhiều góc độ và đưa ra quyết định sáng suốt. Họ cũng có nhiều khả năng nhận ra và phản bác lại thông tin sai lệch.

Kiến thức về truyền thông có thể khiến mọi người kiên cường hơn bằng cách giúp họ hiểu hành vi trực tuyến và hoạt động trong môi trường đó. Họ có thể thể hiện bản thân một cách sáng tạo và có văn hóa khi bày tỏ chính kiến. Đó là điều quan trọng là cho sự phát triển cá nhân. “Mục tiêu của Phần Lan trong việc khuyến khích hiểu biết về truyền thông là một xã hội dân chủ hoạt động hiệu quả và người dân hạnh phúc hơn”- ông Prusskij giải thích.

Báo cáo của Viện Xã hội Mở năm 2022 nhận xét rằng “Các phương pháp giáo dục là chiến lược tiêm chủng tốt nhất để chống lại tin giả.” Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học phát triển của Anh vào năm ngoái cho rằng “Thế giới nên xem Phần Lan như một hình mẫu” trong việc chống lại tin giả, tin sai sự thật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần