Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô. Tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu bế mạc Hội nghị |
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2022 là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, tập trung thực hiện từng nhiệm vụ, chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và năm 2022.
“Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2022 do Ban cán sự đảng UBND Thành phố đề xuất; trong đó cần tập trung quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tiến tới điều trị cho các F0 thể nhẹ tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội từ Thành phố đến cơ sở, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các Chỉ thị, Thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và UBND Thành phố, chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch COVID-19, trong đó lưu ý một số giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục thực hiện cách ly F1 tại khu cách ly của Thành phố, tại khách sạn và tại các cơ sở lưu trú. Thực hiện cách ly F1 tại nhà trên địa bàn các Quận/Huyện/Thị xã của Thành phố nếu đáp ứng các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo quy định của thành phố;
Củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, hệ thống oxy tại các Trạm y tế xã/phường/thị trấn, trạm y tế lưu động… để tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở; tiến tới tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng ngay tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh. Đồng thời khẩn trương rà soát để tiếp tục mở rộng các cơ sở thu dung điều trị các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Tiếp tục huy động tối đa sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y của Thành phố để bổ sung lực lượng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố.
Làm tốt công tác phân luồng để tập trung điều trị các ca F0 theo tháp 3 tầng trên cơ sở thiết lập phần mềm quản lý theo dõi chuyển biến của các ca F0 và chủ động chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc men điều trị theo diễn biến của ca bệnh.
Tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid 19 cho người dân và trẻ em từ 12-18 tuổi, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại. Thường xuyên tầm soát xét nghiệm y tế, đảm bảo thực sự an toàn cho các thầy cô giáo và các cháu học sinh khi quay trở lại trường học.
Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các Quận/Huyện/Thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn.
Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để lây lan dịch bệnh thì nhất quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận, cán bộ, công chức liên quan. Kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Thành phố. Thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, định hướng dư luận về kết quả công tác phòng, chống dịch của Thành phố.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là kiểm tra cơ sở trong việc thực hiện cách ly F1, điều trị F0, trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động; tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em… Tiếp tục rà soát để bổ sung chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng tham gia trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố.
Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối NSNN; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội. Tăng cường quản lý và phát triển đô thị; Khai thác hiệu quả tài nguyên đi đôi với bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Quang cảnh hội nghị |
Cùng đó, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; trong đó cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao từ thời Hà Tây và Mê Linh trước khi sáp nhập vào Hà Nội để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, gồm: chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thành việc điều chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Thành phố quản lý và tập trung kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển cho Thành phố trong năm 2022; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã được thành lập, các công trình đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, các công trình văn hóa; tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường, nước sạch, rác thải, nước thải, triển khai các dự án khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch.
Về tài chính - ngân sách: dự toán thu NSNN năm 2022 theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố bằng mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021 (nếu không kể số thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế NSTW hưởng 100% thì tăng 8,5%). Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19; vì vậy, để đảm bảo hoàn thành dự toán thu NSNN, tạo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chung của Thành phố thì phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, từ tài sản công, từ các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi để tổ chức đấu thầu, đấu giá thu vào NSNN, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách; bên cạnh đó là các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững.
Về dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022, phương án phân bổ ngân sách phải theo thứ tự ưu tiên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp và các nhiệm vụ mới phát sinh, nhất là nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả và hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19; đảm bảo theo đúng quy định Luật NSNN, Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ; phù hợp với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách địa phương.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thống nhất về chủ trương đối với quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố năm 2022. Đồng thời, đề nghị Ban cán sự đảng UBND Thành phố khẩn trương rà soát, điều chỉnh tổng thể quy định phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố để trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét, thông qua trong kỳ hợp giữa năm 2022.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, về đầu tư công: Đối với Kế hoạch năm 2021, đề nghị khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước,… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đối với kế hoạch năm 2022, đề nghị bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp; tập trung đầu tư các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc (nước sạch, chất thải, ô nhiễm môi trường…) và các dự án có khả năng hấp thụ vốn cao và giải ngân vốn tốt. Đặc biệt, Ban Chấp hành thống nhất cao chủ trương dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các Bệnh viện, cơ sở y tế; đầu tư thiết chế văn hóa, xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, di sản, lịch sử văn hóa; đồng thời cũng thống nhất có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của Thành phố cho các địa phương còn khó khăn để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố.
Đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, trước mắt, Thành phố tập trung hỗ trợ cho 02 huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận.
Đối với cập nhật, bổ sung một số nội dung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và danh mục công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thống nhất về chủ trương và đánh giá danh mục công trình trọng điểm cơ bản đã đảm bảo hài hòa giữa các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm, thực sự là các dự án có ý nghĩa và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đồng thời đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư. Đề nghị Ban cán sự đảng UBND Thành phố có các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả và phù hợp với từng loại dự án để đảm bảo tiến độ đã đề ra.