Chiều nay (20/11), Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thường trực Thành ủy thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”.
Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng theo dõi, hướng dẫn Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy khóa XVI, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn; đại diện các sở, ban, ngành, một số quận, phường trên địa bàn TP. Về phía Trung ương có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; đại biểu một số bộ, ngành...
Quang cảnh Hội nghị |
Tuyệt đối không bỏ qua ý kiến cơ sở
Khai mạc Hội nghị, khẳng định việc ban hành dự thảo Nghị định này là đòi hỏi hết sức cấp bách vì liên quan việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu bám sát nội dung dự thảo để góp ý kỹ từng nội dung, nhất là những vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng Nghị định quy định rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tổ chức thực hiện không bị vướng mắc. Đồng chí lưu ý các đại biểu TP đồng thời phải liên hệ các nội dung dự thảo Nghị định với những quy định của TP triển khai thực hiện Nghị định ban hành sau đó, nhất là làm rõ những vướng mắc, những vấn đề còn khác nhau, trong đó phải đặc biệt coi trọng thực tiễn, tuyệt đối không bỏ qua ý kiến từ cơ sở, vì Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không chủ yếu nhờ thực hiện ở cấp này.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban soạn thảo Nghị định này cho biết, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 33 điều. Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất biên chế công chức bình quân tại UBND phường là 15 người, UBND TP trình HĐND cùng cấp quyết định số biên chế của các phường từng quận, quyết định hoặc phân cấp cho UBND quận quyết định cụ thể số công chức từng phường. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường thực hiện theo Luật cán bộ, công chức (riêng chức danh Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường thì thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ). Theo Dự thảo, Chủ tịch UBND phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính. Dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Kể từ ngày 1/7/2021, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường và công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tai phòng đang công tác. Các trường hợp khi được chuyển mà chưa đủ tiêu chuẩn thì trong 24 tháng phải hoàn thiện, đáp ứng quy định; nếu quá thời hạn mà không đáp ứng được thì giải quyết cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế.
Tóm tắt nội dung từng chương của dự thảo Nghị định, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh các nhóm vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến là: Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường không, có quy định “Không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của UBND về các cộng đồng dân cư (tổ dân phố) thực hiện hay không, số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường là bao nhiêu thì phù hợp? “Hiện Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị biên chế công chức của 1 phường là 16 người, Bộ Nội vụ cho rằng chưa có cơ sở”-Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban soạn thảo Nghị định phát biểu |
Thành phố chủ động, không ngồi chờ
Nêu ý kiến tại đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị TP Hà Nội rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các phường hiện nay, trên cơ sở đó tính toán những điều kiện chuyển tiếp hợp lý, hoặc có thể kéo dài thời gian hoàn thiện đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện chuyển tiếp lên 5 năm. Đồng thời, không nên quy định cứng số lượng 15 biên chế cho cấp phường, mà trên cơ sở tổng biên chế của quận được TP phê duyệt, Chủ tịch UBND quận sẽ có phân bổ số lượng hợp lý cho từng phường.
Cùng quan điểm này, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng trên cơ sở tổng biên chế được giao, quận sẽ chủ động phân bổ số lượng biên chế theo từng phường, tùy diện tích, dân số và tính chất đặc thù...; việc phân bổ ngân sách cũng căn cứ nhiệm vụ đặc thù của mỗi phường.Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhận định, chính quyền đô thị tại Hà Nội có những điểm mới: Nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện; UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn; đồng thời giao cấp quận thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường, không cào bằng; cán bộ tư pháp - hộ tịch được quyền ký và đóng dấu chứng thực của UBND phường, qua đó cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân được tốt hơn...
Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, việc xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị là một trọng tâm của Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015-2020, do vậy các cấp TP cầm bám sát Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và dự thảo Nghị định của Chính phủ để chủ động cụ thể hóa, sớm triển khai, gắn với Nghị quyết 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Còn theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, dự thảo Nghị định cần rà soát để hướng dẫn kỹ hơn về những cơ chế đặc thù, nhất là về hoạt động của UBND phường; không nên quy định bình quân mỗi phường là 15 biên chế; Dự thảo cũng mới chỉ quy định chuyển đổi đối với cán bộ UBND phường, chưa đề cập đến cán bộ khối UBND phường, đồng thời phải có đặc thù trong việc chuyển đổi...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị |