Bia Tiến sĩ kể lịch sử 800 năm khoa cử Việt Nam

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên những hoa văn, họa tiết, hàng chữ Nho trên 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dịch từ chữ Nho sang tiếng Việt, cung cấp thông tin cho công chúng về các khoa thi thời xưa cùng tên tuổi những người đỗ đạt.

Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã giới thiệu đến công chúng trưng bày “Bia đá kể chuyện”.

Lắng nghe bia đá kể chuyện

Nằm trong di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, hình ảnh những hàng bia đá trên lưng rùa đã trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thần hiếu học, đề cao sự nghiệp học hành, khoa cử của dân tộc Việt Nam.

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đi qua biểu tượng Khuê Văn Các, công chúng thể tìm thấy ở đây tên tuổi của nhiều danh nhân từng được nhắc nhiều trong các sách sử Việt Nam như: Nhà sử học Ngô Sĩ Liên - Tiến sĩ năm 1442 đã soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của cuốn Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1775.

 

Từ khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 dưới triều vua Khải Định, lịch sử khoa cử Việt Nam đã trải qua hơn 800 năm với hàng trăm khoa thi được tổ chức và sự xuất hiện của nhiều bậc hiền tài góp phần đảm bảo cho sự thịnh vượng của biết bao triều đại. Những người đỗ đại khoa không chỉ được triều đình trọng dụng, ban nhiều ân điển, mà kể từ khoa thi năm 1442, họ còn được khắc tên trên bia tiến sỹ đặt tại Văn Miếu ở kinh đô để lưu truyền danh thơm đến muôn đời sau.

TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trải qua những tháng năm thăng trầm của lịch sử, một số tấm bia Tiến sĩ của Văn Miếu Thăng Long xưa đã bị mất hoặc thất lạc, hiện nay chỉ còn 82 tấm bia Tiến sĩ được bảo tồn tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới và được Chính phủ Việt Nam công nhận là bảo vật quốc gia.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nội dung trên bia Tiến sĩ lại không hề dễ dàng với công chúng, với khách tham quan. Xuất phát từ mong muốn 82 bia Tiến sĩ phải đến được gần hơn với công chúng, thông qua đó quảng bá, phát huy giá trị di sản, nên Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày "Bia đá kể chuyện" như một cách để những bia đá nằm im lìm suốt thời gian qua sẽ cất lên tiếng nói, câu chuyện về những danh nhân, những bậc hiền tài của đất nước.

Ngay ở tấm bia đầu tiên (khoa 1442) đã chỉ rõ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Tấm bia năm 1448 lại nhắc “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”. Nhiều tấm bia sau cũng nhắc đi nhắc lại ý “nhân tài là nguyên khí quốc gia”; bia các năm 1556, 1604, 1703, 1763, 1772 nhấn thêm ý “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”.

Bảo tồn, phát huy sáng tạo giá trị di sản

Trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” được bố cục gồm 4 phần. Nội dung thứ nhất “Chiêu mộ hiền tài” giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442 -1529. Nội dung thứ hai “Con đường khoa cử” giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt.

Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Từ Giám. Ảnh: Lại Tấn.
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Từ Giám. Ảnh: Lại Tấn.

Nội dung thứ ba là “Gương sáng tiền nhân” giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác. Phần cuối cùng giới thiệu một những câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài được mang tên “Lưu danh muôn thưở”.

Theo TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc.

"Những bia Tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày triển lãm sau này. Mỗi lần tổ chức triển lãm chúng tôi sẽ xuất bản một cuốn sách và số hóa thông tin để sau này du khách có thể tiếp cận được mặc dù triển lãm đã kết thúc. Đây là bước thí điểm về công nghệ của chúng tôi khi du khách sử dụng mã QR để truy cập thông tin.  Trong không gian khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám có mạng wifi miễn phí nên du khách có thể sử dụng để tiếp cận thông tin của triển lãm" – ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Đại diện nhóm thiết kế đồ họa triển lãm, ông Trương Quốc Toàn chia sẻ, đây là bước khởi đầu để mỗi một vị khách đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiểu được nội dung của những tấm bia Tiến sĩ. Hơn 500 năm qua, những hàng bia Tiến sĩ vẫn đứng ở đó nhưng người ta mới chỉ nhìn thấy cái vỏ, thấy hình dáng bề ngoài, còn nội dung bên trong thì rất nhiều người chưa biết.

Đại diện nhóm thiết kế bộc bạch, nhóm đã nỗ lực để mang đến một góc tiếp cận ấn tượng nhất với người xem. “Chúng tôi mong muốn qua triển lãm lần này cũng như những cuộc triển lãm tiếp theo tiếp tục giới thiệu về những tấm bia Tiến sĩ còn lại. Đây là cơ hội để những hàng tấm bia Tiến sĩ mãi không còn là nhân chứng câm lặng của lịch sử, dốc bầu tâm sự với khách tham quan. Bởi đằng sau lớp mặt đá là những thông tin vô cùng quan trọng, hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ đang chờ đợi các thế hệ tìm hiểu” - ông Trương Quốc Toàn nói.

Trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” diễn ra tại nhà Thái học, di tích Văn Miếu - Quốc Tử đến 8/11.

 

Văn Miếu-Quốc Tử Giám là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các sĩ tử trước kỳ thi thường đến đây dâng hương, song họ không hiểu nội dung khắc trên bia đá. Do đó, cách thức trình bày này cần được triển khai rộng rãi tại hệ thống bảo tàng để văn hóa thực sự đi vào đời sống mang thông tin đến thế hệ trẻ.

TS Vũ Thị Minh Hương - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần