Diễn đàn do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Eximbank Ấn Độ đồng tổ chức vào ngày 21/2/2022 tại Paris (Pháp) và kết nối với nhiều điểm cầu trên thế giới. Đây là sự kiện bên lề Diễn đàn Bộ trưởng khu vực Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn kết nối các tổ chức tín dụng lớn tại khu vực để thảo luận về sự phát triển bền vững chung và đẩy mạnh cam kết các chương trình hành động nhằm phát triển bền vững ở các lĩnh vực trọng điểm: Chuyển dịch năng lượng và khí hậu, liên kết giữa cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số, y tế, kinh tế biển và đa dạng sinh học...
BIDV tham dự Diễn đàn với vai trò là đối tác chính của AFD tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những ngân hàng chủ lực thu xếp và tài trợ cho nhiều dự án đầu tư phát triển năng lượng của Việt Nam. Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long đã đại diện ngân hàng phát biểu ý kiến với chủ đề “Đẩy nhanh tiến trình Chuyển dịch năng lượng: Biến cam kết thành hành động thực tế”. Trong đó khẳng định xu hướng tất yếu của việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, ông Trần Long cũng chia sẻ những kinh nghiệm, định hướng, hành động của BIDV trong quá trình chuyển dịch cơ cấu tài trợ cho lĩnh vực năng lượng.
Xác định vai trò của tăng trưởng xanh trong tiến trình chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, kể từ 2018 BIDV đã quyết định dừng xem xét tài trợ cho các dự án nhiệt điện than; các dự án có tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tính đến 31/12/2021, dư nợ dự án nhiệt điện than giảm xuống khoảng 110 triệu USD và chỉ còn thu nợ cho đến khi hết thời hạn cho vay của các dự án. Trong khi đó, quy mô tín dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của BIDV đạt hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 36% dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam. BIDV cũng đã đưa tăng trưởng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh thành một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 của ngân hàng.
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho ngành năng lượng, ngoài nguồn vốn kinh doanh thông thường, BIDV đã huy động thành công nhiều nguồn vốn để phát triển tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế như: nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho Dự án Năng lượng tái tạo (REDP), Dự án Hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE)… Đặc biệt, tháng 5/2021 BIDV đã được AFD tài trợ 100 triệu USD hạn mức tín dụng xanh SUNREF không qua bảo lãnh của Chính phủ. Chỉ trong 6 tháng triển khai, 100% hạn mức đã được BIDV giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo.
BIDV cũng đã cụ thể hóa các quy định về việc thực hiện đánh giá rủi ro môi trường khi thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng.
BIDV là ngân hàng đầu tiên ban hành quy định về Khung quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội áp dụng cho các Dự án được tài trợ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khuyến khích các dự án khác áp dụng thực hiện. Hiện tại, BIDV đang phối hợp Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (Climate Bond Initiative - CBI) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xây dựng khung tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh. Đây là cơ sở để BIDV hướng tới mục tiêu là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm huy động nguồn vốn có giá vốn hợp lý tài trợ cho các dự án xanh bền vững tại Việt Nam.
Là ngân hàng chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, cùng kinh nghiệm tài trợ các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng xanh, triển khai phục vụ, cho vay lại hiệu quả các nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế, BIDV sẵn sàng trở thành đối tác đồng hành với các nhà tài trợ thúc đẩy sự phát triển bền vững, góp phần thực hiện chiến dịch chuyển dịch năng lượng toàn cầu.