Biến chứng bàn chân do bệnh tiểu đường

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến chứng bàn chân là biến chứng khá phổ biến của người bị đái tháo đường (ĐTĐ). Đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, khi vết loét lan rộng, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân. Nhiều trường hợp buộc phải cắt chi để đảm bảo tính mạng.

Vệ sinh bàn chân cho bệnh nhân bị biến chứng đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Ảnh: Hà Tường
Mất chân vì tự điều trị
Ông Nguyễn Văn V. 48 tuổi (xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) nhập viện Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Đông trong tình trạng gầy sút, mệt mỏi, sốt cao liên tục, khát nước, tiểu nhiều. Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử ĐTĐ từ năm 2012 nhưng không đi khám mà tự dùng thuốc, không thường xuyên. Trước khi vào viện một tháng, bệnh nhân bị sưng, đau, loét và chảy dịch mủ vùng bàn chân phải. Sau đó, gia đình đã mua thuốc bột, cao dán do thầy lang bào chế về đắp vào vết loét. Tuy nhiên vết loét không thuyên giảm mà ngày càng nặng lên.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Đinh Văn Tuy - Trưởng đơn nguyên Nội tiết của BV cho biết, có 3 ổ loét đường kính từ 2 - 4cm, kiểm tra tổn thương thấy hoại tử lan tỏa 1/2 bàn chân phải, lộ gân, màng xương. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng, tiến triển nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới phải cắt đoạn chi. Cố gắng bảo tồn tối đa, các bác sĩ đã tiến hành điều trị bằng thuốc kiểm soát đường huyết, sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Đồng thời nhanh chóng cắt lọc các tổ chức hoại tử, làm sạch tổn thương. Bên cạnh đó, bệnh nhân được tích cực chăm sóc vết thương hàng ngày, hướng dẫn tập vận động để tránh loét tái phát, loét tì đè sau cắt lọc.

Sau 3 tháng điều trị tích cực, các vết loét đã sạch và phát triển tốt, các bác sĩ khoa Nội tiết đã hội chẩn với khoa Ngoại chấn thương để tiến hành ghép da tự thân cho bệnh nhân. Sau 7 ngày, vùng ghép da sống và liền tốt, vùng loét bàn chân đã được bảo tồn, phục hồi. Bệnh nhân được xuất viện và điều trị ngoại trú.

Tương tự, mới đây, BV Nội tiết T.Ư tiếp nhận bệnh nhân Hà Mạnh T. (28 tuổi, Phú Thọ) bị loét hoại tử bàn chân nặng trên bệnh nhân ĐTĐ typ 1. Người nhà bệnh nhân T. cho biết, bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ cách đây 12 năm, hiện đang điều trị isulin. Tuy nhiên bệnh nhân không đi tái khám và theo dõi thường xuyên mà chỉ điều trị isulin theo đơn từ trước đó rất lâu. Trước khi vào viện một tháng, bệnh nhân bị tai nạn giao thông ngã xe máy, xây xát vùng da mu chân trái. Sau vài ngày vết thương xây xát ngày càng lan rộng, sâu toàn bộ chân trái, xuất hiện chảy dịch hôi, bàn chân bắt đầu sưng tấy nhiều, đau nhức, mất cảm giác. Mặc dù xuất hiện tình trạng trên nhưng bệnh nhân không đi khám mà tự điều trị bằng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc, đồng thời sử dụng các loại thuốc lá dân gian để đắp lên vết xây xát khiến tình trạng vết thương ngày càng lan rộng. Chỉ đến khi thấy vùng tổn thương quá nặng, bệnh nhân mới được đưa đến BV Đa khoa Phú Thọ và chuyển xuống BV Nội tiết T.Ư.

Bác sĩ Tôn Thất Kha - Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nội tiết T.Ư cho biết, đây là ca bệnh có diễn biến rất nặng do nhập viện muộn. Để bảo toàn tính mạng, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt toàn bộ vùng tổn thương nặng tới gần đùi."Chỉ vì sai lầm trong việc tự điều trị mà người bệnh phải cắt cụt chi, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng" – bác sĩ Kha nói.

Đi khám khi có dấu hiệu sớm nhất

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Trang - Trưởng khoa chăm sóc bàn chân, BV Nội tiết T.Ư cho biết, những biến chứng bàn chân dẫn đến phải đoạn chi ở người bệnh ĐTĐ đang báo động tại Việt Nam. Một vết thương nhỏ có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng bởi không được điều trị kịp thời, chỉ khi chân bị sưng to hoặc có nhiễm trùng nặng, loét chân thì bệnh nhân mới đến BV khám. Khi đó, bệnh đã ở giai đoạn muộn, điều trị thường không đạt kết quả tốt.

Cũng theo bác sĩ Trang, các bệnh nhân ĐTĐ dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường, lý do là đường máu cao và tuần hoàn máu kém làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm trùng ở các bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn. Mặt khác, đa số các bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam là những người lao động, hàng ngày họ tiếp xúc trực tiếp với các nguồn vi khuẩn rất lớn, vì vậy, nếu có bất kỳ một vết loét nào thì nguy cơ bị nhiễm trùng cũng như nguy cơ ổ nhiễm trùng lan rộng là rất lớn.

Để phòng chống biến chứng bàn chân ở người bị ĐTĐ, các bác sĩ khuyên bệnh nhân phải có thói quen kiểm tra sức khỏe, kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ, không bỏ qua các dấu hiệu bất thường. Khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì, phải đi khám ngay tại những cơ sở y tế có chuyên môn tin cậy. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân. Với những vết thương dù rất nhỏ, người ĐTĐ cũng cần đến chuyên khoa để xử lý. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng thuốc, hoặc bệnh một đằng điều trị một nẻo. Ngoài ra, không tự ý dùng các loại thuốc nam, thuốc lá, cao dán đắp lên vết thương ở bàn chân cho những người bị loét do biến chứng của ĐTĐ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần