Giá trị kinh tế thu về gấp 5 lần
Nhiều năm qua, những diện tích đất nông nghiệp tại thôn Liễu Trì (xã Mê Linh) thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Mỗi năm, bà con chỉ gieo cấy được 1 vụ lúa nhưng năng suất thấp, giá trị kinh tế mang lại không cao. Người dân bởi vậy không mấy mặn mà với canh tác nông nghiệp truyền thống.
Nhận thấy nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, từ năm 2011, anh Khanh đã bàn với gia đình, xin thuê đất nông nghiệp của các hộ không canh tác để nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu mới bắt tay vào sản xuất, do thiếu kinh nghiệm, ít hiểu biết kỹ thuật nên giá trị đem lại từ nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Từ năm 2016, anh Khanh chuyển sang trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy hiệu quả tích cực từ trồng sen nên từ khoảng 5ha ban đầu, anh Khanh tiếp tục liên kết cùng bà con, mở rộng diện tích đến nay vào khoảng 50ha. Đây là tổng diện tích đất nông nghiệp của khoảng 500 hộ dân thôn Liễu Trì, bị bỏ hoang trong nhiều năm qua do điều kiện canh tác khó khăn.
Hàng năm, anh Khanh sẽ trả cho các hộ dân sản lượng 25kg thóc/sào thuê mướn. Ngoài ra, anh Khanh chấp thuận cho các gia đình được nhận đền bù tài sản trên đất nếu những diện tích này bị Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mê Linh.
Hiện, gia đình anh Khanh đang trồng đa dạng các loại sen phục vụ nhu cầu chơi hoa, ướp trà. Ngoài ra, một phần diện tích được anh duy trì nuôi trồng thủy sản. Giá trị mang lại từ trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản cao gấp 5 lần so với canh tác lúa truyền thống.
Liên kết phát triển sản phẩm chất lượng cao
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ, anh Khanh đã chủ động liên kết với nhiều đối tác, trong đó có Hợp tác xã Tâm Trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) để cung cấp hoa sen ướp trà. Gia đình anh cũng tự xây dựng quy trình ướp trà riêng, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 1 - 2 tấn trà sen.
Vừa qua, sản phẩm hoa sen, trà sen của hộ anh Lã Quang Khanh đã được huyện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh”, được giới thiệu ở nhiều hội chợ, hội nghị... Việc tiêu thụ nhờ đó thêm phần thuận lợi, giúp mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng, hiệu quả kinh tế từ trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản cao gấp nhiều lần so với canh tác lúa truyền thống. Do đó, huyện chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ dân đẩy mạnh mô hình trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản.
“Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại vùng trũng thấp, kém hiệu quả sang trồng sen, huyện sẽ đưa sản phẩm sen vào chế biến sâu để hoàn thiện sản phẩm, tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023” - ông Nguyễn Tiến Hùng thông tin thêm.
Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, sản phẩm hoa sen, trà sen tuy mới phát triển nhưng đã được huyện Mê Linh rất quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và đưa đi các hội nghị, hội chợ để quảng bá, giới thiệu. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trên địa bàn mong muốn tiếp cận mô hình kinh tế mới, có tiềm năng giá trị cao ở nông thôn.
Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng cho rằng, muốn phát triển bền vững nghề trồng sen, huyện Mê Linh cần nghiên cứu định hướng phát triển để hình thành một làng nghề.
Trong đó kết hợp giữa sản xuất và du lịch ở làng sen nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tiện tích, đáp ứng nhu cầu của người dân, từ đó góp phần cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.