70 năm giải phóng Thủ đô

Biến động trên chính trường Australia: Lịch sử lặp lại?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/9, trước sự chứng kiến của Toàn quyền Peter Cosgrove, ông Tony Abbott chính thức tuyên bố rời bỏ vị trí lãnh đạo chính phủ, mở đường để ông Malcolm Turnbull tuyên thệ nhậm chức, trở thành Thủ tướng thứ 29 của Australia.

Cam kết thúc đẩy tăng trưởng

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Turnbull cho biết sẽ tiếp tục duy trì bộ máy Nội các của thời tiền nhiệm để đảm bảo mọi quyết định đưa ra đều có được sự nhất trí của đa số thành viên chính phủ.
Tân Thủ tướng Australia phát biểu với báo giới sau khi tuyên bố nhậm chức.
Tân Thủ tướng Australia phát biểu với báo giới sau khi tuyên bố nhậm chức.
Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những thay đổi nhỏ trong bộ máy chính quyền, ví dụ như Bộ trưởng Giáo dục Christopher Pyne có thể sẽ được bổ nhiệm là Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó, Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Scott Morrison có thể sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngân khố thay ông Joe Hockey, người đang chịu nhiều chỉ trích trong nội bộ đảng do các vấn đề liên quan đến ngân sách.
Tân Thủ tướng Turnbull cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ là tập trung thúc đẩy tăng trưởng với cam kết “thổi luồng gió mới” vào nền kinh tế vốn đang có dấu hiệu giảm sút, duy trì quan điểm của Australia trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Ông Turnbull cũng khẳng định sẽ không kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn nhằm tận dụng lợi thế hoặc để củng cố quyền lực khi tuyên bố Quốc hội hiện hành sẽ hoạt động đến hết nhiệm kỳ. Theo đó, cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9/2016.

Chính trường khốc liệt

Trước đó, hôm 14/9, ông Turnbull đã chiến thắng trước đương kim Thủ tướng Abbott trong một cuộc bỏ phiếu của nội bộ đảng Tự do. Thời gian gần đây, chính quyền của ông Abbott thường xuyên yếu thế trước đối thủ chính trị lớn nhất là Công đảng do quan điểm cứng rắn của ông trong vấn đề người di cư, hôn nhân đồng tính và biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Australia, ông Tony Abbott cho biết dù là đã trải qua một ngày khó khăn nhưng khi đã tham gia trò chơi chính trị, ông sẵn sàng chấp nhận quy tắc của cuộc chơi.
Gương mặt thất thần của ông Abott khi tuyên bố từ chức.
Gương mặt thất thần của ông Abott khi tuyên bố từ chức.
Điều đáng lưu ý là trong bài phát biểu này, ông Abbott dành nhiều thời gian để “tấn công” giới truyền thông. Chính các cuộc thăm dò, bình luận mà giới truyền thông đua nhau thực hiện và công bố đã làm dư luận hoảng loạn, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong vị trí lãnh đạo chính quyền dù nội các của ông đã hoàn thành khá tốt những cam kết được đưa ra. Trước ông Abbott, nhiều thủ tướng Australia đã mất chức vì thất bại trong các cuộc họp kín nội bộ đảng. Tháng 6/2013, bà Julia Gillard bị Kevin Rudd, thành viên khác trong Công đảng giành ghế thủ tướng. Năm 2010, chính bà Gillard đã loại ông Rudd trong một cuộc bỏ phiếu tương tự.
Đúng như ông Abbott khẳng định chức danh Thủ tướng không phải phần thưởng hay món đồ chơi để giành lấy, việc ông Turnbull trở thành người đứng đầu chính phủ chỉ qua một cuộc bỏ phiếu chóng vánh kéo dài 30 phút đã bộc lộ quá nhiều vấn đề trong hệ thống chính trị của Australia. Diễn biến này cũng cho thấy, nội bộ các đảng phái và chính trường Australia luôn là một chiến trường khốc liệt. Trên thực tế kể từ năm 2013 đến nay, Australia đã trải qua 3 đời Thủ tướng và ông Turnbull là vị Thủ tướng thứ 4. Sự thay đổi vị trí người lãnh đạo chính phủ đã gây ra không ít ngáng trở cho Australia trong việc thực hiện các chính sách điều hành nhất quán.

Chân dung tân Thủ tướng

Trước khi trở thành Thủ tướng thứ 29 của Australia, ông Malcolm Turnbull từng là luật sư và là một trong những người giàu nhất xứ sở chuột túi. Sự nghiệp chính trị của vị doanh nhân thành đạt này được bắt đầu vào năm 2004 khi ông được bầu làm thị trưởng Wentworth và nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ vợ là bà Lucy Hughes – nữ Thị trưởng đầu tiên của Sydney. Kể từ đó ông liên tục đảm trách các chức vụ quan trọng trong nội các như Bộ trưởng các nguồn tài nguyên nước và môi trường trong chính phủ của cựu thủ tướng John Howard, Bộ trưởng Truyền thông dưới thời cựu Thủ tướng Abbott.
Tân Thủ tướng Australia là một luật gia, doanh nhân và chính trị gia lão luyện.
Tân Thủ tướng Australia là một luật gia, doanh nhân và chính trị gia lão luyện.
Với tài hùng biện xuất sắc, khả năng lập luận sắc bén của một cựu luật sư, ông Turnbull thường xuyên dành thế thượng phong trong các cuộc tranh luận và dần thu hút được sự ủng hộ của cử tri. Ngoài kinh nghiệm trên thương trường, chính trường, tân Thủ tướng Turbull còn thể hiệu bản lĩnh khi nhận ra vấn đề trong hệ thống chính trị nước này và tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ với phong cách lãnh đạo mới. Theo đó, đảng cầm quyền sẽ “tôn trọng sự thông minh của người dân Australia”, lấy lại sự tin tưởng vào nền kinh tế của giới đầu tư.
Nhậm chức Thủ tướng trong bối cảnh Australia đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến tìm kiếm mô hình tăng trưởng, hứng chịu sự chỉ trích của dư luận quốc tế trong vấn đề người di cư, các nhà quan sát dự đoán nhiệm kỳ cầm quyền ngắn ngủi khoảng 1 năm của ông Turbull sẽ có không ít sóng gió và chông gai. Trên thực tế, ngay sau khi ông Turbull tuyên bố nhậm chức, trên tài khoản Twitter của mình, cựu Thống đốc bang Victoria Jeff Kennett đã thẳng thừng chỉ trích tân Thủ tướng là một người ích kỷ và cá nhân khi sẵn sàng đập bỏ sự ổn định trong chính phủ để đảm bảo lợi ích của đất nước. Động thái này khiến không ít người đặt câu hỏi liệu lịch sử biến động trên chính trường Australia có lặp lại với ông Turbull.