Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến động về vật liệu xây dựng: Nhà thầu mong sớm điều chỉnh chỉ số giá

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nửa cuối năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) tăng mạnh đã ảnh tưởng trực tiếp tới tiến độ thi công của các dự án đầu tư công. Nếu không có sự điều chỉnh chỉ số giá kịp thời, nhà thầu càng làm càng lỗ.

Thi công Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Phạm Hùng  
Thi công Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Phạm Hùng  

Thiệt hại nặng

Với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, cầu Vĩnh Tuy 2 được khởi công tháng 1/2021, riêng gói thầu số 1 khởi công tháng 6/2021. Cầu dài 3,5km, rộng 19,25m, với bốn làn xe (hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ). Điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).

Ông Hoàng Đình Hiếu - Giám đốc điều hành nhà thầu thi công gói thầu số 3 - dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 cho biết, gói thầu số 3 đã hoàn thành khoảng 70 - 75% sản lượng, vượt tiến độ đã đề ra. Hiện nay, nhà thầu đang tích cực triển khai thi công các hạng mục kết cấu phần trên như thi công lao lắp dầm cầu, mặt cầu, bờ bo lan can...

"Tuy nhiên, do biến động rất lớn về giá VLXD như thép, bê tông... tăng liên tục nên đang gây thiệt hại cho nhà thầu. Thép chiếm tỷ trọng khá lớn trong gói thầu số 3 khi cần tới khoảng 4.400 tấn thép, bị âm trung bình so với hợp đồng đã ký khoảng trên 20 tỷ.

Bên cạnh đó, các nhà thầu đang "gánh" các thành phẩm khác cũng tăng giá như bê tông lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng/khối; giá vận chuyển đổ thải tăng lên..." - ông Hoàng Đình Hiếu cho hay. Khó khăn hơn khi gần đây, nhiên liệu là xăng dầu đã điều chỉnh tăng giá, khiến các máy đặc chủng thi công xây dựng tăng mạnh chi phí.

Còn tại gói thầu số 12 thi công hạng mục cầu cho xe máy và chiếu sáng thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm biến động giá thép tăng quá lớn đã khiến nhà thầu ở đây gặp khó khăn khi dự án sử dụng thép là chủ yếu. Vật tư nhập ngoại tăng giá, tiếp độ nhập khẩu thời gian dài do ảnh hưởng Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, dự án đã phải xin điều chỉnh lại.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án đang trong tình trạng tương tự như: Công trình xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - Thanh Niên thuộc gói thầu 39; dự án hầm chui Lê Văn Lương... Trong khi đó, hiện nay hệ thống văn bản, định mức xây dựng của Bộ Xây dựng ban hành đã cơ bản đầy đủ.

Tuy nhiên, bộ đơn giá xây dựng, lắp đặt của TP vẫn đang áp dụng các đơn giá cũ như 798, 5481, 5479... có từ những năm 2015; đơn giá mới chưa được cập nhật, gây khó khăn cho quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng và lập dự toán xây dựng công trình. Các nhà thầu đều mong muốn các cơ quan chức năng sớm công bố bộ xây dựng đơn giá mới bổ sung, cập nhật để có căn cứ điều chỉnh giá gói thầu giúp giảm khó khăn, thiệt hại về kinh tế.

Hiện nay, đơn giá chênh lệch giữa công bố giá của Sở Xây dựng và đơn giá, định mức hiện hành một số VLXD như cát san nền, cát xây mức giá bằng 50% giá thị trường; cát vàng bằng 35% giá thị trường; đất màu trồng cây xanh bằng 30% giá thị trường; giá thép hình, thép tấm bằng 75% giá thị trường.

Sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ

Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và tiến độ một số dự án trọng điểm, mới đây, đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Bùi Hồng Minh dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện trực thuộc về công tác quản lý Nhà nước và quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Với việc thị trường VLXD diễn biến khó lường, các dự án áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lãnh đạo TP Hà Nội đã kiến nghị đối với một số dự án nhất định cho điều chỉnh bổ sung, hỗ trợ trượt giá nhằm gỡ vướng cho các bên bị ảnh hưởng.

Đề cập đến một số vướng mắc trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, qua kiểm tra, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết, các quy định hiện hành đã phân định, phân cấp rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, các bên sẽ tiếp tục xem xét thống nhất hàng quý cập nhật hệ thống định mức, từ đó kịp thời bổ sung các định mức còn thiếu, loại bỏ những định mức không phù hợp với thực tiễn hoạt động xây dựng…

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng ủng hộ và đề nghị Hà Nội tiếp tục chủ động xây dựng và công bố các định mức đặc thù. Trong danh mục rất nhiều các vật liệu được công bố giá công khai theo tháng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cơ bản các địa phương quy trình khảo sát, xác định và công bố giá VLXD, chỉ số xây dựng… Đây cũng là giải pháp quan trọng cho các đơn vị trong việc bảo đảm tiến độ các dự án khi giá VLXD biến động mạnh thời gian qua.

 

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết cho nên phải bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Các chủ đầu tư rất mong các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp linh hoạt để hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; đồng thời cũng là giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án đang triển khai.