Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa: Vẫn nhiều lấn cấn

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những vấn đề của ngành giáo dục, trong đó có việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa tiếp tục là chủ đề được đông đảo đại biểu và cử tri quan tâm. Tại phiên thảo luận vừa diễn ra, nhiều đại biểu quốc hội đã nêu quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này.

Chưa thực sự cấp thiết?

Ngành GD&ĐT đang đối mặt với rất nhiều vấn đề nóng cần sớm đưa ra giải pháp để tập trung giải quyết. Giữa những vấn đề đó, việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) thời điểm này chưa thực sự cấp thiết. Đây là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề biên soạn thêm một bộ SGK của Nhà nước.

Nhiều đại biểu cho rằng việc biên soạn thêm một bộ SGK của Nhà nước thời điểm này chưa thực sự cấp thiết
Nhiều đại biểu cho rằng việc biên soạn thêm một bộ SGK của Nhà nước thời điểm này chưa thực sự cấp thiết

“Có nên làm một việc mà xã hội đã làm? Việc thay đổi một chính sách lớn giữa chừng cần có thời gian để nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn thận” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy trao đổi.

 “Tôi cho rằng thay vì Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK thì tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, SGK dạy tiếng dân tộc thiểu số cấp thiết hơn”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng, thời điểm hiện tại, việc biên soạn bộ SGK mới là không thực sự cấp thiết. Trên cơ sở các bộ SGK hiện tại, nên lựa chọn bộ SGK phù hợp với năng lực giảng dạy của giáo viên, đồng thời phù hợp với năng lực học tập của học sinh từng trường, từng địa phương.

Cũng theo đại biểu tỉnh Lạng Sơn, cần giao cho chính những chủ thể này quyền được lựa chọn bộ SGK phù hợp với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục. Các cơ quan quản lý chỉ kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc lựa chọn SGK, không nên can thiệp vào chuyên môn của giáo viên trong việc lựa chọn SGK.

"Việc Bộ GD&ĐT tổ chức chủ trì biên soạn một bộ SGK chỉ nên được thực hiện sau khi tổng kết, đánh giá cụ thể, khách quan và khoa học. Quan trọng nhất hiện nay là phải giữ được sự tin tưởng, đồng lòng của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả xã hội để đảm bảo chất lượng giáo dục, từ đó giảm thiểu sự bất an, gia đình, nhà trường, xã hội cũng giảm được sự lãng phí nguồn lực xã hội", Đại biểu Lưu Bá Mạc nêu quan điểm.

Đồng tình ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay: Từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách trước năm học mới.

“Vấn đề được giao, chúng tôi sẽ nghiên cứu, cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có những đánh giá sâu, đề đạt phương án với Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Nhiều lo ngại

Nêu những mặt trái do cơ chế xã hội hóa SGK mang lại, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nói, chúng ta đẩy toàn bộ biên soạn SGK ra xã hội hóa, dẫn tới SGK thả nổi, giá tăng, không kiểm soát được.

“Không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa SGK. Thực tế, lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng SGK càng xã hội hóa lại càng tăng, đây là nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng SGK tiếp tục không tăng”, ông Sáu cho biết.

"Việc duy trì nhiều bộ SGK và để người học lựa chọn là quyết định rất tiên tiến trong đổi mới tư duy giáo dục đào tạo"
"Việc duy trì nhiều bộ SGK và để người học lựa chọn là quyết định rất tiên tiến trong đổi mới tư duy giáo dục đào tạo"

Bàn về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ, việc duy trì nhiều bộ SGK và để người học lựa chọn là quyết định rất tiên tiến trong đổi mới tư duy giáo dục đào tạo. Mặc dù vậy, việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách riêng phải cân nhắc kỹ.

Cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT lại xây dựng một bộ sách thì người ta sẽ ngầm hiểu rằng bộ sách đó là bộ sách được chỉ định. Khi đã được chỉ định như thế thì yếu tố tự do về tư tưởng, lựa chọn, tôn trọng sở thích, mong muốn và cách tiếp cận của mỗi một người học gần như không còn nữa. Lúc đó, nguy cơ lớn trở thành độc quyền SGK.

Theo ông, các bộ SGK hiện tại có thể còn những yếu tố chưa được hoàn hảo, nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng; quan trọng hơn hết phải tìm ra xem quá trình thực hiện chương trình SGK này đang hổng ở chỗ nào.

Với Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế thì việc Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn thêm một bộ SGK mới sẽ gây tốn kém về kinh phí, thời gian, đầu tư chất xám.

“Hãy hội tụ chất xám từ những bộ sách đã và đang có để tích hợp đồng bộ, thể hiện trách nhiệm, chuyên nghiệp trong hình thành sản phẩm bộ SGK tốt nhất cho học sinh”- bà Sửu nêu giải pháp.

Không tán thành việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019; đồng thời không phù hợp chủ trương xã hội hóa.

Theo ông Thanh, nếu biên soạn thêm một bộ SGK dễ dẫn đến triệt tiêu xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa và đi ngược lại xu hướng quốc tế.

 

Việc biên soạn thêm bộ SGK hay dùng nhiều bộ sách không chỉ tính chuyện lãng phí hay không, mà quan trọng nhất chúng ta đang hướng tới mục tiêu gì.

Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới tiên tiến, thể hiện nhận thức tiến bộ trong việc tạo ra môi trường giáo dục khai phóng, tự do cho người học. Người học có quyền lựa chọn các cách thức tiếp cận kiến thức, không “học vẹt”, dập khuôn. Vì vậy, cần phải có nhiều bộ sách chứ không chỉ một bộ sách duy nhất- Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường.