“Tôi cho rằng biến thể Omicron sẽ là hiểm hoạ lớn trên toàn thế giới trong vòng 3 đến 6 tháng nữa” - bác sĩ Leong Hoe Nam tại bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore) nói với CNBC hôm 2/12. Biến thể Delta, hiện đang chiếm 99% số ca nhiễm Covid-19, vốn được phát hiện lần đầu tiên ở bang Maharashtra, Ấn Độ vào tháng 3/2021 và trở thành biến chủng trội trên toàn cầu vào tháng 7, theo Reuters.
Trước đó, hôm thứ Hai tuần này, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Moderna, ông Stephane Bancel, cho biết sẽ mất vài tháng để nghiên cứu, phát triển và sản xuất một loại vaccine riêng để phòng ngừa biến thể Omicron.
Bác sĩ Leong Hoe Nam cho rằng ý tưởng của hãng dược phẩm Mỹ Moderna dường như không thực tế vì dịch Covid-19 có thể lây lan với tốc độ “chóng mặt” trong thời gian tới do siêu biến thế Omicron.
Bác sĩ Leong Hoe Nam lưu ý thêm rằng việc tiêm liều vaccine tăng cường có thể giúp ngăn chặn đà lây lan của biến chủng mới này, đồng thời cảnh báo tỷ lệ tiêm ngừa vaccine tại nhiều nước còn thấp.
Bác sĩ Leong Hoe Nam cho rằng các nước cần tăng tốc độ bao phủ vaccine, thực hiện đúng quy định về giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
Cũng có quan điểm tương tự bác sĩ Leong Hoe Nam, một số chuyên gia y tế cho rằng các loại vaccine hiện có vẫn có khả năng ngăn chặn biến thể Omicron.
Trả lời phỏng vấn kênh CNBC hôm 1/12, Tiến sĩ Syra Madad - chuyên gia y tế tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer, khẳng định: “Tôi cho rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện tại vẫn có hiệu quả nhất định trong việc ngăn ngừa biến thể mới này”.
Biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Hôm 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt Omicron vào danh sách biến chủng "đáng lo ngại", ít nhất 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp các biện pháp hạn chế đi lại ở mức độ khác nhau với khu vực phía Nam châu Phi, nhằm ngăn virus lây lan rộng.
WHO hôm 1/12 cho biết đã có ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron. Mỹ cũng vừa phát hiện ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên là hành khách trở về từ Nam Phi và đang tự cách ly. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 1/12 cho biết ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại nước này là cư dân bang California, trở về từ Nam Phi hôm 22/11 và xét nghiệm nhiễm Covid-19 sau đó một tuần.
Đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về mức độ lây truyền, độc lực của Omicron hoặc nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Mức độ bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm, diễn tiến nặng hay tử vong của biến chủng này cũng chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, hôm 1/12, WHO nói rằng vaccine có thể giúp tránh nhiễm Covid-19 nặng từ biến thể Omicron. “Chúng tôi biết rằng vaccine có khả năng bảo vệ. Vẫn cần tìm hiểu xem liệu có bất kỳ sự sụt giảm khả năng bảo vệ nào hay không, nhưng chúng tôi cho rằng vaccine vẫn sẽ bảo vệ chống lại bệnh nặng như ở các biến chủng khác”. Bloomberg dẫn lời tiến sĩ Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm khoa học của WHO.
Nhóm cố vấn vaccine của WHO sẽ họp vào tuần tới để xem xét dữ liệu về các liều vaccine Covid-19 tăng cường./.