"Biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của quân đội ta"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng như cán bộ, chiến sĩ toàn quân, tôi luôn mong ước Đại tướng sống thêm nhiều năm nữa. Dẫu đã được chuẩn bị trước về tư tưởng, nhưng tôi vẫn thấy hẫng hụt khi biết Đại tướng đã ra đi.

Cũng như cán bộ, chiến sĩ toàn quân, tôi luôn mong ước Đại tướng sống thêm nhiều năm nữa. Dẫu đã được chuẩn bị trước về tư tưởng, nhưng tôi vẫn thấy hẫng hụt khi biết Đại tướng đã ra đi.

Càng hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tài năng và đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi càng thêm cảm phục và biết ơn Đại tướng. Tôi nhớ, khi còn là học sinh Trường cấp II Phạm Hồng Thái, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội), tôi đã được học thuộc lòng những vần thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu: “... Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!...”. Những vần thơ ấy đã để lại cho tôi cũng như bao học trò khác sự khâm phục về phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự chỉ huy tài ba, thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng toàn dân làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

Rời ghế nhà trường giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, tôi xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Sau khi kết thúc Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, năm 1971 đơn vị chúng tôi được lệnh ra Quảng Bình để củng cố lực lượng, huấn luyện bổ sung chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới. Thật bất ngờ, tại đây, đơn vị chúng tôi vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm, động viên và biểu dương tinh thần chiến đấu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng. Tình cảm mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi dành cho vị Đại tướng Tổng Tư lệnh thật đặc biệt, đó là sự yêu mến, kính trọng và niềm tin tuyệt đối. Qua những cử chỉ ân cần, gần gũi, cách trò chuyện thân tình, cởi mở giữa vị Tổng Tư lệnh và các chiến sĩ, chúng tôi cảm nhận tình thương yêu mà Đại tướng dành cho cán bộ, chiến sĩ thật ấm áp.

Sau này khi là Tư lệnh Quân khu 1, tôi nhiều lần vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm. Những lần Đại tướng tới dự gặp mặt Ban Liên lạc chiến sĩ Việt Bắc - Quân khu 1, khu vực Thái Nguyên, thăm các cựu chiến binh của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân; thăm nhân dân vùng An toàn khu..., lần gặp nào, cán bộ, chiến sĩ, các cựu chiến binh và nhân dân địa phương cũng đón tiếp Đại tướng thân tình như ruột thịt. Mỗi cuộc nói chuyện, Đại tướng thường mở đầu bằng câu nói thật ấn tượng: “Gặp được nhau đây là quý lắm rồi”. Đại tướng ân cần thăm hỏi mọi người về tình hình kinh tế, xã hội, đời sống, sức khỏe, việc học hành của con em… Đại tướng căn dặn các cựu chiến binh phải giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, tích cực, gương mẫu tham gia các hoạt động tại địa phương... Đại tướng nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền phải luôn lắng nghe và tôn trọng nhân dân, cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu, để dân tin vào Đảng, vào chính quyền thì sự nghiệp cách mạng mới giành được thắng lợi.

Năm 2001, tôi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao. Để hoàn thành công việc được giao, tôi nhận thấy mình phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều; tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, sự giúp đỡ của các thế hệ đi trước. Tôi thường xuyên ra thăm, báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ dẫn của Đại tướng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng, phát triển quân đội nhân dân; kinh nghiệm ứng xử các mối quan hệ quốc tế...

Mỗi lần được gặp Đại tướng là một lần mang đến cho tôi cảm xúc sâu sắc, ấn tượng khó quên. Tôi được Đại tướng kể cho nghe câu chuyện về một lần mà Đại tướng gặp Bác Hồ tại Pác Bó (Cao Bằng), Bác đã dặn Đại tướng: "Làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng, là phải hết lòng vì nước, vì dân". Tôi rất tâm đắc với câu chuyện ấy và luôn ghi nhớ, phấn đấu, cố gắng học ở Đại tướng - một người chỉ huy có tính Đảng, luôn tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối phục tùng sự phân công của Đảng, được Đảng giao bất cứ nhiệm vụ gì cũng tận tâm hoàn thành tốt. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Đại tướng luôn dõi theo tình hình thế giới và trong nước; thường xuyên căn dặn các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện bộ đội giữ vững và phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần tập thể, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; phải biết thương yêu chiến sĩ, phải biết dựa vào dân, chăm lo phát triển khoa học kỹ thuật…

Khi còn khỏe, mỗi lần tôi ra thăm, Đại tướng thường hỏi thăm về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt văn hóa tinh thần của bộ đội, nhất là những đơn vị ở vùng biên giới, hải đảo. Năm 2009, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về việc cải tiến quân phục, tôi đã chỉ đạo Cục Quân nhu làm mẫu các loại quân phục, cầu vai, quân hàm và xin ý kiến Đại tướng. Sau khi xem từng loại mẫu quân phục, Đại tướng đã cho ý kiến: Trước yêu cầu đặc thù của các hoạt động quân sự và xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng mới, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và hội nhập quốc tế, việc cải tiến quân phục cho phù hợp là cần thiết. Việc tổ chức phải chặt chẽ, tiết kiệm, có lộ trình cụ thể, đặc biệt là phải tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của toàn quân… Thực hiện lời căn dặn, chỉ dẫn của Đại tướng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tốt việc cải tiến quân phục đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/2009).

Để chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014), tôi đã chủ động đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ trương nâng cấp và tôn tạo Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, như: Xây dựng mộ liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng (tức Xuân Trường, Đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân) - người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; trải nhựa con đường từ thị trấn Nguyên Bình lên xã Tam Kim; xây dựng Nhà khách Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng khang trang để phục vụ chu đáo cán bộ, chiến sĩ và các cựu chiến binh về thăm khu di tích; chỉ đạo Quân khu 7 hoàn thành việc làm sổ thương binh và xây dựng một căn nhà “Đồng đội”, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt để tặng đồng chí Tô Đình Cắm, Người đội viên duy nhất trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân hiện còn sống tại Lâm Đồng…

Mấy năm gần đây, do tuổi cao, sức yếu, Đại tướng vào điều trị tại Khoa Chăm sóc, Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tôi cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã thường xuyên tới thăm. Khi nghe tôi báo cáo về tình hình của toàn quân, Đại tướng đều biểu thị sự vui mừng, phấn khởi và tỏ ý mong muốn toàn quân tiếp tục phấn đấu, giành nhiều thành tích cao hơn nữa.

Mỗi lần đến thăm, tôi thường căn dặn lãnh đạo Bệnh viện và các thầy thuốc Khoa Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương có vinh dự thay mặt cán bộ, chiến sĩ toàn quân chăm sóc chu đáo đặc biệt, cố gắng để Đại tướng được chứng kiến từng sự kiện lịch sử của đất nước, như: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam… Lần nào vào thăm, tôi cũng đứng nghiêm chào Đại tướng theo đúng điều lệnh. Tuy đang nằm trên giường bệnh, Đại tướng vẫn giơ tay chào đáp lại theo điều lệnh và bắt tay từng người. Gần đây, thấy sức khỏe của Đại tướng yếu dần, tôi đã dặn lãnh đạo Bệnh viện khi nào Đại tướng sắp về với Bác Hồ thì báo tin để tôi biết sớm.

Biết rằng, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Đại tướng không thể lên thăm khu di tích được, nên tôi dự định sẽ báo cáo Đại tướng biết những công việc đã làm để Đại tướng yên lòng. Đó cũng là cách để Đại tướng chung vui với cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong dịp kỷ niệm… Thế nhưng, mong muốn giản dị ấy đã không thực hiện được. Cuộc gặp cuối cùng giữa tôi và Đại tướng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là lúc 14 giờ 30 phút ngày 4/10/2013, chỉ hơn 3 giờ trước khi Đại tướng trút hơi thở cuối cùng.

Là thế hệ hậu sinh, nay vinh dự được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm trọng trách người chỉ huy cao nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ, tôi đã học được ở Đại tướng rất nhiều điều; nhớ lời căn dặn, chỉ dẫn của người Anh Cả, tôi nguyện cùng với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng luôn đoàn kết, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Toàn quân nguyện là một khối thống nhất về ý chí và hành động; luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng làm cho bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được phát huy và tỏa sáng. Quân đội nhân dân cùng Công an nhân dân và dân quân tự vệ, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng và với nhân dân các nước trên thế giới để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân