Biểu tình bạo loạn khắp nước Pháp vì tăng tuổi nghỉ hưu

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít nhất 120 người đã bị lực lượng an ninh bắt giữ trong cuộc biểu tình phản đối dự luật tăng tuổi nghỉ hưu tại Pháp hôm 16/3.

Những người biểu tình phản đối luật mới đã đốt lửa trên nhiều tuyến phố tại thủ đô Paris và các thành phố khác ở Pháp. Ảnh: Reuters
Những người biểu tình phản đối luật mới đã đốt lửa trên nhiều tuyến phố tại thủ đô Paris và các thành phố khác ở Pháp. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/3 đã ra lệnh cho Thủ tướng của mình sử dụng một quyền hiến pháp đặc biệt, buộc Quốc hội phải thông qua một dự luật rất không được lòng dân, tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, mà không cần bỏ phiếu.

Theo Reuters, sự mạo hiểm có tính toán này của ông Macron đã gây ra làn sóng phản đối từ các nhà lập pháp đối lập - những người đã bắt đầu hát quốc ca ngay cả trước khi Thủ tướng Elisabeth Borne đến Hạ viện. Bà Borne đã lên tiếng mạnh mẽ trước những tiếng la hét phản đối, thừa nhận rằng hành động đơn phương của Tổng thống Macron sẽ kích hoạt các hành động bất tín nhiệm nhanh chóng đối với Chính phủ.

Tương tự, sự tức giận của người dân và các hiệp hội công nhân cũng bùng lên. Hàng nghìn người đã tụ tập trong một cuộc biểu tình không có kế hoạch tại Place de la Concorde, đối diện với tòa nhà Quốc hội ở Paris, để đốt lửa trại. Khi màn đêm buông xuống, cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình theo từng đợt.

Các nhóm nhỏ trong số những người bị đuổi đi đã di chuyển qua các con phố gần đó trong khu phố sang trọng để đốt lửa trên đường phố. Ít nhất 120 người đã bị giam giữ - cảnh sát cho biết.

Theo truyền thông Pháp, những cảnh tương tự cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố khác, từ Rennes và Nantes ở phía Đông đến Lyon và TP cảng Marseille ở phía Nam. Tại đây, các cửa hàng và mặt tiền của nhiều ngân hàng bị đám đông đập phá.

Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy đại đa số cử tri Pháp phản đối cải cách lương hưu, cũng như các công đoàn - những người tin rằng có nhiều cách khác để cân bằng tài chính, bao gồm cả việc đánh thuế nhiều hơn đối với người giàu.

Các công đoàn đã tổ chức các cuộc đình công và tuần hành kể từ tháng 1 năm nay, chỉ trích cải cách hưu trí này là "tàn bạo, bất công, phi lý đối với người lao động". Các công đoàn Pháp kêu gọi một ngày đình công và hành động chống lại cải cách vào ngày 23/3 tới.

Người đứng đầu Đảng Xã hội Olivier Faure nói với Reuters hôm 16/3 rằng người dân đang "giải phóng sự tức giận không thể kiểm soát" sau nhiều tuần đình công và biểu tình liên tục, đã ảnh hưởng đến sản xuất điện cũng như chặn một số chuyến hàng từ các nhà máy lọc dầu, trong khi rác thải chất đống trên đường phố thủ đô Paris.

Các đảng đối lập tại Pháp cho biết họ sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ Paris, dự kiến có thể diễn ra vào thứ Hai tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần