Biểu tượng đã hết thời?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chaebol - các tập đoàn khổng lồ được điều hành bởi các gia đình Hàn Quốc một thời đã kéo nước này khỏi nền kinh tế lạc hậu, nay lại khiến dư luận đặt dấu hỏi về những lợi ích mang lại cho quốc gia.

Biểu tượng đã hết thời? - Ảnh 1
Nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế sau thế chiến thứ hai, các chaebol nhận được ưu đãi từ chính phủ trong suốt quá trình Tổng thống Park Chung-hee bắt đầu quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước năm 1961. Bằng cách tập trung hỗ trợ cho các chaebol mạnh và nhiều tiềm năng, Hàn Quốc đã thực hiện quá trình hiện đại hóa với tốc độ thần kỳ và lọt vào danh sách 20 nền kinh tế lớn toàn cầu chỉ trong 4 thập kỷ. Trong giai đoạn đó, các chaebol lớn như Samsung, Hyundai và LG đóng góp đến 50% GDP Hàn Quốc.

Sự ảnh hưởng của chaebol đến xã hội Hàn Quốc sâu sắc đến nỗi Reuters mô tả hình ảnh một người dân Hàn Quốc điển hình sẽ sống trong căn hộ do Samsung đầu tư, xem tivi của LG, lái xe của Hyundai, sử dụng điện thoại Samsung và ăn tối tại một nhà hàng của Lotte. Nhiều lãnh đạo chủ chốt của các chaebol dù không tham gia chính trường nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn tới sự thành bại của chính trị gia.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, từ công cụ kéo đất nước ra khỏi tình trạng nghèo khó sau hậu chiến, chaebol với hệ thống quản lý thiếu minh bạch đã vấp phải nhiều chỉ trích của dư luận. Trong khi một số lãnh đạo chaebol bị nghi ngờ dùng quyền lực và mối quan hệ “đặc biệt” để thoát khỏi các truy án trốn thuế, con cháu từ các gia tộc này cũng bị lên án vì coi thường pháp luật hay vướng vào các cuộc hỗn chiến tranh quyền. Mỗi năm, trong số rất nhiều sinh viên tốt nghiệp trên cả nước chỉ có khoảng vài chục ngàn người may mắn được nhận vào làm việc tại các chaebol. Luật “cha truyền con nối” bất thành văn trong hệ thống lãnh đạo các chaebol cũng bị nghi ngờ mang rủi ro kinh tế.

Việc cải tổ những biểu tượng kinh tế lớn này được chính quyền Seoul nhận định là bước đi cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng tưởng của nền kinh tế vẫn phải dựa vào sức mạnh của các tập đoàn này, Chính phủ Hàn Quốc chắc chắn phải tiến hành kế hoạch cải tổ một cách thật thận trọng để không đẩy nền kinh tế vào vùng suy thoái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần