Liên quan đến việc mở rộng Cảng hàng không Phù Cát (CHK Phù Cát), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn vừa có văn bản gửi Bộ Quốc phòng về việc thỏa thuận phương án quy hoạch sử dụng đất phục vụ Quy hoạch mở rộng CHK Phù Cát.
Theo UBND tỉnh Bình Định, CHK Phù Cát có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
Theo quy hoạch CHK Phù Cát giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-BGTVT ngày 1/2/2016, giai đoạn đến năm 2020 là CHK cấp 4C, sân bay quân sự cấp I; Lượng hành khách tiếp nhận 1,2-1,5 triệu hành khách/năm và 5.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng vị trí đỗ máy bay 7 vị trí.
Giai đoạn đến năm 2030 là CHK cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; Lượng hành khách tiếp nhận 4 triệu hành khách/năm, 50.000 tấn hàng hóa/năm.
Theo UBND tỉnh Bình Định, CHK Phù Cát hiện đang khai thác bao gồm 3 hạng mục chính gồm sân đỗ với 7 vị trí đỗ máy bay A321-200, nhà ga 2 tầng và đường băng.
Trong đó nhà ga hành khách có năng lực phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, với quy mô hiện tại CHK Phù Cát đã bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp hội nghị, sự kiện, lễ, Tết. Do vậy, quy hoạch mở rộng CHK Phù Cát và đầu tư xây dựng nâng cấp là rất cần thiết và cần phải được nghiên cứu ngay từ bây giờ.
Trong bối cảnh đó, ngày 3/11/2022, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 6510/UBND-KT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xin chủ trương lập quy hoạch, đồng thời đề xuất đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng một số hạng mục của CHK Phù Cát bằng hình thức xã hội hóa.
Theo đó, Bộ GTVT đã có văn bản số 11849/BGTVT-KHĐT ngày 11/11/2022 ủng hộ kiến nghị của tỉnh Bình Định. Đồng thời, đề nghị Bình Định chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác đối với toàn bộ CHK Phù Cát theo định hướng quy hoạch.
Tiếp đó, ngày 22/11/2022, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp làm việc trực tiếp với Cục Hàng không Việt Nam, nghiên cứu nhiều phương án quy hoạch và thống nhất lựa chọn phương án quy hoạch mở rộng CHK Phù Cát khả thi, hiệu quả nhất để Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT xem xét phê duyệt quy hoạch CHK Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang tổ chức lập theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Liên quan đến các vấn đề trên, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Quốc phòng quan tâm, chấp thuận phương án quy hoạch sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu quy hoạch mở rộng CHK Phù Cát theo phương án đã được thống nhất với Cục Hàng không Việt Nam.
Cụ thể, đối với giai đoạn 2021–2030, cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp I; công suất 5–7 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay là 26 vị trí.
Tầm nhìn đến năm 2050, cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp I; công suất 12-15 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay là 35 vị trí.
Về phương án quy hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh Bình Định cho biết, phần diện tích đất CHK theo hiện trạng là 862,3ha. Trong đó, diện tích đất do quân sự quản lý là 702,28ha; 14,65ha do hàng không dân dụng (KHDD) quản lý và diện tích đất dùng chung là 145,37ha.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất Quy hoạch CHK Phù Cát thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là 948,56ha. Trong đó, diện tích đất do quân sự quản lý là 548,76ha; 113,91ha do HKDD quản lý: 113,91 ha (diện tích đất đề nghị quân sự bàn giao 99,26ha) và diện tích đất dùng chung là 285,89 ha (đề nghị bổ sung đất quân sự quản lý là 54,26 ha và đất do tỉnh quản lý là 86,26 ha).
Theo đó, để đảm bảo nhu cầu sử dụng đất quy hoạch CHK Phù Cát thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét giao phần diện tích đất quân sự cho HKDD quản lý là 99,26ha và giao phần diện tích đất quân sự để sử dụng chung với CHK là 54,26 ha (tổng cộng 153,52ha).