Vĩnh Phúc: gỡ “nút thắt”, đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp
Kinhtedothi - Kiên định định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Vĩnh Phúc đã dành nguồn lực lớn để phát triển hệ thống khu công nghiệp (KCN) làm động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều “nút thắt” vẫn chưa được tháo gỡ, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thu hút đầu tư.

Khu công nghiệp Sông Lô 2 đang được gấp rút hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: Lương Giang
Nhiều rào cản và khó khăn cần tháo gỡ
Tính đến nay, Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, tổng diện tích hơn 3.142 ha, trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động. Các KCN chủ yếu tập trung tại thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện Bình Xuyên - những địa bàn có vị trí giao thông thuận lợi.
Không dừng lại ở các vùng trung tâm, tỉnh còn chủ trương phát triển KCN tại các huyện miền núi như Lập Thạch và Sông Lô - nơi có quỹ đất rộng, nguồn lao động dồi dào. Trong đó, huyện Lập Thạch hiện có 5 KCN được quy hoạch với tổng diện tích gần 932 ha, nhưng mới chỉ một KCN được thành lập. Tại Sông Lô, có 3 KCN được quy hoạch, hiện mới khởi công được KCN Sông Lô II.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển các KCN hiện nay là khó khăn về quỹ đất sạch, thiếu đất san lấp, cùng với đó là vướng mắc trong bồi thường, tái định cư.
Việc xác định nguồn gốc đất, lập phương án đền bù kéo dài do đất đai có lịch sử phức tạp. Nhiều hộ dân không hợp tác kiểm đếm, đòi giá bồi thường cao hơn quy định. Một số hộ còn tự ý xây dựng công trình trái phép trên đất rừng để trục lợi chính sách.
Tại “đầu tàu công nghiệp” Bình Xuyên nơi có 8 KCN với tổng diện tích hơn 1.776 ha, các KCN sau khi được giao đất đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và dự án đầu tư được duyệt với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 60%, trong đó, tỷ lệ lấp đầy các KCN đang hoạt động trên 84%.
Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn gặp khó khăn và “mắc kẹt” vì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hiện, các KCN trên địa bàn huyện Bình Xuyên vẫn còn hơn 500 ha đất chưa thể bàn giao cho nhà đầu tư.
Tích cực tháo gỡ vướng mắc, ngặn chặn khả năng nhà đầu tư “chùn tay”
Tình trạng chậm trễ trong giao đất khiến thời gian thực hiện nhiều dự án kéo dài, và phải xin điều chỉnh giãn tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng. Được biết, giá thuê đất bình quân tại các KCN trên địa bàn tỉnh từ 130 - 150 USD/m2, có dự án đến 170 USD/m2, cao hơn so với mặt bằng chung một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… đang làm giảm sức hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI của tỉnh Vĩnh Phúc.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra tình hình triển khai các KCN trên địa bàn huyện Lập Thạch nhằm tiến hành tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc.
Để “gỡ nút thắt”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực rà soát, hoàn thiện chính sách bồi thường – tái định cư theo hướng linh hoạt, sát thực tế hơn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai trái phép, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết và giao đất cho các nhà đầu tư đã có chủ trương.
UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về KCN, khu kinh tế trình Chính phủ xem xét; có hướng dẫn cụ thể về phát triển các loại hình KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành.
Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý Nhà nước hiện nay đã ban hành tại các luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...

Vĩnh Phúc: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo “luồng xanh” thu hút đầu tư
Kinhtedothi - Xác định cải cách thủ tục hành chính là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc đang chuyển từ tư duy “quản lý doanh nghiệp” sang “hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp”, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Vĩnh Phúc tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Kinhtedothi - Tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, đặc biệt là kết nối giữa doanh nghiệp trong nước (DDI) với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vĩnh Phúc: phạt tiền hơn 87 triệu đồng, đình chỉ hoạt động một cơ sở kinh doanh trị liệu “chui”
Kinhtedothi - “Viện trị liệu MB - cơ sở Vĩnh Phúc” (địa chỉ tại số nhà 5-S3, khu đô thị Chùa Hà Tiên, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vừa bị Thanh tra Sở Y tế Vĩnh Phúc xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 87,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng.