Nhiều tiềm năng cho thị trường ngành máy xây dựng tại Việt Nam
Kinhtedothi - Ngành máy xây dựng tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, nhờ vào nhu cầu hạ tầng tăng cao và xu hướng hiện đại hóa trong ngành xây dựng. Với sự gia tăng đầu tư công, tốc độ đô thị hóa nhanh và sự chuyển mình của các doanh nghiệp trong nước, thị trường này hứa hẹn sẽ có bước tăng trưởng đáng kể. Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại cũng đang góp phần thay đổi cách thức vận hành, thi công và quản lý thiết bị trong ngành.

Khách hàng tham quan gian hàng thiết bị xây dựng tại triển lãm Contech Vietnam 2025.
Điểm tựa đầu tư công và đô thị hóa
Trong giai đoạn 2024 – 2025, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân gần 800.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng chiến lược. Những lĩnh vực ưu tiên gồm GTVT với việc mở rộng và xây dựng mới hàng nghìn km đường cao tốc (điển hình là dự án Bắc – Nam giai đoạn 2), Sân bay Long Thành, Cảng biển Lạch Huyện và các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, phát triển hàng loạt khu công nghiệp mới ở Long An, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang,... nhằm đáp ứng làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hệ thống kênh mương, hồ chứa, trạm bơm, đường liên xã… cũng đang được đẩy mạnh để thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa.
Những dự án này đều đòi hỏi sử dụng một khối lượng lớn thiết bị xây dựng, từ máy đào, máy ủi, xe lu đến máy khoan cọc và máy trộn bê tông, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu cung ứng và cho thuê máy thi công.
Ngoài ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngày càng được cải thiện, với việc áp dụng các hình thức đấu thầu linh hoạt và sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, giúp các dự án hạ tầng lớn không còn đình trệ kéo dài như giai đoạn trước. Điều này giúp thị trường máy móc không chỉ tăng trưởng về lượng mà còn phát triển theo chiều sâu về chất lượng và công nghệ.
Song song với đầu tư công, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh và sâu rộng. năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành Xây dựng ước đạt 7,8 - 8,2%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển còn lại đều đạt so với kế hoạch đề ra.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… đang mở rộng không gian đô thị về phía các quận – huyện vệ tinh. Song song đó, một số đô thị mới như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bàu Bàng (Bình Dương), Quảng Yên (Quảng Ninh) cũng đang được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị hiện đại. Tất cả những diễn biến này góp phần tạo thị trường tiêu thụ máy móc xây dựng ổn định và lâu dài, không chỉ cho các dự án lớn mà còn cho hàng ngàn công trình vừa và nhỏ trên cả nước.
Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản công nghiệp và các khu đô thị thông minh đang thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ, với yêu cầu cao về tiến độ và tiêu chuẩn thi công. Điều này buộc các nhà thầu phải đầu tư hoặc thuê thiết bị xây dựng hiện đại, từ đó kéo theo sự tăng trưởng trong thị trường máy xây dựng.
Sự phát triển của hạ tầng và đô thị không chỉ thúc đẩy hoạt động mua bán máy móc, mà còn mở ra tiềm năng lớn cho dịch vụ cho thuê thiết bị, đặc biệt đối với các nhà thầu vừa và nhỏ không có đủ nguồn lực để sở hữu thiết bị riêng. Đồng thời, các mô hình dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, cho thuê vận hành kèm người lái cũng đang phát triển để đáp ứng nhu cầu vận hành chuyên nghiệp, đúng tiến độ.
Thu hút nhà cung ứng
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024 có khoảng 2.000 máy công trình (máy xúc, máy ủi, cần cẩu, xe lu, máy khoan, máy san, xe nâng…) mới các loại được nhập khẩu về Việt Nam, tổng giá trị ước tính từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, các loại máy xúc đào khoảng 800 chiếc, chiếm gần 40%, giá trị trung bình khoảng 2 tỷ đồng/chiếc. Xếp thứ hai là máy xúc lật với khoảng 600 chiếc, chiếm khoảng 30%, giá trị trung bình khoảng 1,2 tỷ đồng/chiếc. Các loại máy lu rung nhập khẩu khoảng 250 chiếc với mức giá khoảng 1,5 tỷ đồng/chiếc, chiếm 15%. Còn lại là những thiết bị máy móc phụ trợ khác.
Có thể thấy, thị trường máy xây dựng Việt Nam hiện đang có rất nhiều cơ hội để phát triển, tuy nhiên các DN nội phải cạnh tranh từ các nhà cung cấp quốc tế với những thương hiệu máy móc lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đang chiếm lĩnh thị trường.
Sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành xây dựng đang buộc các DN đầu tư mạnh vào máy móc công nghệ cao, nhằm tăng hiệu suất, giảm chi phí và đảm bảo an toàn lao động. Các thiết bị thế hệ mới tích hợp GPS, cảm biến, hệ thống điều khiển từ xa và nền tảng kết nối IoT đang ngày càng phổ biến.
Đại diện Công ty CP Vật tư thiết bị công trình Minh Đức chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu về hiệu suất, an toàn và tính bền vững, nhiều DN trong ngành đã và đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào máy móc xây dựng. Một trong những xu hướng nổi bật là tự động hóa và điều khiển từ xa, cho phép giám sát và vận hành thiết bị từ xa qua nền tảng IoT, giảm thiểu rủi ro cho nhân công.
"Máy khoan neo BHD-260 và các sản phẩm vật tư thiết bị công trình, các hệ neo tạm thời và vĩnh cửu do Minh Đức nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công. Đây là sản phẩm điển hình cho sự đột phá công nghệ trong thi công tường vây cho tầng hầm toà nhà, đường hầm đường bộ" - đại diện Công ty CP Vật tư thiết bị công trình Minh Đức cho biết.
Bên cạnh đó, yếu tố môi trường cũng ngày càng trở nên quan trọng. Các dòng máy hybrid, máy xúc và xe lu chạy điện từ Volvo CE, Hitachi hay LiuGong đã bắt đầu xuất hiện trong các dự án đô thị và công trình xanh. Ngoài thiết bị, các nhà thầu lớn cũng đang sử dụng phần mềm quản lý thiết bị như VisionLink, Trimble, hoặc Topcon để theo dõi vận hành theo thời gian thực, lập kế hoạch bảo trì, giám sát tiêu hao nhiên liệu và tối ưu hóa năng suất.
Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Bốn mùa Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, nếu trước đây khách hàng chỉ quan tâm công suất và độ bền, thì nay họ hỏi về kết nối dữ liệu, cảnh báo sự cố và tự động hóa. Điều này cho thấy thị trường đang chuyển hướng từ mua thiết bị sang đầu tư vào hiệu quả. Dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng về dài hạn, thiết bị xanh giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải và nâng cao hình ảnh nhà thầu – đặc biệt trong đấu thầu các dự án có vốn quốc tế.
"Cuộc cách mạng trong máy móc xây dựng hiện nay không chỉ nằm ở công nghệ thiết bị, mà còn ở cách các doanh nghiệp thay đổi tư duy vận hành. Ai đi trước về công nghệ sẽ chiếm lĩnh thị trường, giảm chi phí và đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ chủ đầu tư" - ông Nguyễn Thanh Tuấn nhìn nhận.

Contech Vietnam 2024 thu hút người dân trong ngày thứ 2
Kinhtedothi - Với sự phong phú về nội dung, đa dạng về công nghệ và sản phẩm trưng bày, triển lãm Contech Vietnam 2024 ngày thứ 2 thu hút số lượng lớn khách tham quan thương mại từ nhiều lĩnh vực.
Hơn 200 doanh nghiệp tham dự triển lãm Contech Vietnam 2025
Kinhtedothi - Ngày 22/4, triển lãm Quốc tế Xây dựng, Công nghiệp mỏ và Giao thông (Contech Vietnam 2025) đã được khai mạc tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng quốc gia, số 1 Phố Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Áp lực giá điện tăng cao: Vật liệu xây dựng lâm cảnh sản xuất cầm chừng
Kinhtedothi - Từ ngày 10/5, giá điện bán lẻ bình quân tại Việt Nam chính thức tăng thêm 4,8%, lên mức hơn 2.204 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Đây là lần điều chỉnh thứ tư chỉ trong vòng một năm qua, tạo sức ép lên các ngành sản xuất, trong đó ngành vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề.