Công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn
Theo Sở Y tế Bình Định, đến ngày 9/2, địa phương chưa phát hiện trường hợp nào mắc Covid-19. Trong những ngày qua, tỉnh Bình Định đã thực hiện cách ly tại bệnh viện 49 trường hợp nghi ngờ, cách ly tại khu cách ly tập trung 432 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi cư trú 4.327 trường hợp và đã lấy 1.480 mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, hiện công tác phòng chống dịch ở Bình Định gặp nhiều khó khăn. Trong dịp Tết, số lượng người đến/về Bình Định từ TP Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai rất lớn. Riêng người về từ TP Hồ Chí Minh, qua ghi nhận của các chốt kiểm tra y tế bình quân trong 3 ngày gần đây, là 5.500 người/ngày. Các chốt kiểm tra y tế, chính quyền địa phương khó nắm bắt hết nếu người có nguy cơ, người đi từ vùng dịch về không tự giác khai báo y tế để kịp thời theo dõi, quản lý.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế thì giai đoạn này có tới gần 80% các trường hợp mắc bệnh không có biểu hiện lâm sàng hoặc rất mờ nhạt nên việc phát hiện các trường hợp mắc bệnh rất khó khăn, chủ yếu phải dựa vào xét nghiệm.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhất là việc chấp hành đeo khẩu trang khi ra đường còn chưa tốt, việc khai báo y tế không trung thực còn xảy ra… Đáng chú ý, các hoạt động giao lưu, tụ tập đông người trong dịp Tết tăng cao dẫn đến khi có tình huống tiếp xúc với F0, F1 thì công tác truy vết, khoanh vùng là rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, dễ bỏ sót đối tượng.
Hiện tại các khu cách ly của tỉnh Bình Định tiếp tục nhận số người cách ly tập trung ngày càng nhiều, nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các thành phố lớn và Gia Lai thì số người cách ly sẽ tăng rất cao.
Chống dịch như chống giặc
Liên quan đến phòng chống Covid-19, ngày 9/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long quyết định dừng bắn pháo hoa dịp Tết Tân Sửu, tạm dừng hoạt động Bảo tàng Quang Trung, Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa… để phòng dịch.
Ông Nguyễn Phi Long cũng yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng công an, quân đội, y tế trong toàn tỉnh Bình Định trực chống dịch 100%, 24/24 giờ từ nay đến hết Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bình Định phải trực chống dịch 24/24 giờ, luôn luôn mở điện thoại di động để sẵn sàng tiếp nhận thông tin, chỉ đạo chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu vận động người dân hạn chế đến mức tối đa việc tập trung nhiều người tại lễ tang, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tiệc mừng cuối năm, đám cưới; hạn chế tối đa việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán…
Đặc biệt, ông Nguyễn Phi Long yêu cầu tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện yêu cầu 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), trước hết là việc chấp hành đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hiện tại, Bình Định cũng đã điều chỉnh thời gian cách ly tập trung là 14 ngày (thay cho 21 ngày) đối với người đi từ khu vực, địa phương có dịch Covid-19 về. Đồng thời, chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện: Tây Sơn, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát tăng cường lực lượng tại chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo kiểm tra, kiểm soát người đến/về Bình Định, đặc biệt là từ tỉnh Gia Lai và TP Hồ Chí Minh, thực hiện khai báo y tế và chuyển cách ly những người đến/về từ khu vực, địa phương có dịch.