Một trong những ngôi chùa cổ gắn liền với quá trình hình thành, phát triển Thủ Dầu Một - Bình Dương xưa được người dân vùng Đông Nam Bộ biết đến với tên gọi chùa Hội Khánh (Tổ đình Hội Khánh, đường bác sĩ YerSin), do thiền sư Đại Ngạn khai sơn vào năm Cảnh Hưng thứ 2, đời vua Lê Hiển Tổng, tức năm Tân Dậu 1741. Trong chánh điện và xung quanh chùa có nhiều tượng phật, la hán sơn son thếp vàng do các nghệ nhân địa phương tạc bằng cây gỗ quý.
Nơi đây từng được cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dạy học, bốc thuốc chữa bệnh. Hiện tại chùa Hội Khánh còn là nơi hoạt động trường Trung cấp Phật Học, có tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn cao 12 mét, dài 52 mét.
Chùa Tây Tạng (đường Thích Quảng Đức, TP Thủ Dầu Một) do thiền sư Minh Tịnh sáng lập vào năm 1928 sau khi tu học từ Tây Tạng trở về. Nơi đây lưu giữ nhiều câu chuyện lịch sử; tác phẩm, tượng phật nổi tiếng, trong đó có tượng Bồ Đề Đạt Ma lớn nhất Việt Nam làm bằng tóc của các tu sĩ trước khi xuất gia. Do chùa nằm trên con dốc cao nên khách thập phương quen gọi Chùa Dốc.
Chùa Thái Sơn – Núi Cậu, huyện Dầu Tiếng nằm trên bờ hồ Dầu Tiếng quanh năm mát mẻ với nhiều cây xanh thuộc rừng phòng hộ núi Cậu. Ngôi chùa được người dân Đông Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng chọn là nơi hành hương du lịch đầu năm vì ngoài nét đẹp kiến trúc, cảnh quang, ngôi chùa còn là nơi giáo dục lòng biết ơn, hiếu kính cha mẹ, gắn liền với câu ca dao “Công Cha như núi Thái Sơn”.
Gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi, chùa Núi Châu Thới Bình Dương nằm trên núi Châu Thới chùa Châu Thới do thiền sư Khánh Long xây dựng năm 1612. Ngôi chùa gắn liền với lịch sử di dân lập ấp của người Việt ở Nam Bộ. Chùa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngoài các ngày lễ tết, nơi đây thu hút rất đông khách hành hương, du lịch đến tham quan vì nằm trên đỉnh núi cao 82 mét, du khách dễ dàng quan sát toàn cảnh khu đô thị công nghiệp của cả TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương hay nói đúng hơn là Miếu Bà Thiên Hậu, ngôi miếu có bề dày lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Thủ Dầu Một xưa. Miếu thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, do các bang người Hoa lập nên. Ngôi miếu đã được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa. Tuy là ngôi miếu nhỏ nhưng cư dân vùng Đông Nam Bộ nói chung và người Bình Dương nói riêng rất tin tưởng. Đặc biệt với Lễ Cộ Bà vào đúng ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, thu hút rất đông người dân khắp nơi đến chiêm bái.
Quần thể chùa cổ Thủ Dầu Một còn có chùa ông Bình Dương thờ Quan Công với biểu tượng ngựa Xích Thố nên còn được gọi là chùa Ông Ngựa Bình Dương cũng là nơi hành hương của du khách thập phương. Chùa có kiến trúc đẹp, nằm ngay trung tâm TP Thủ Dầu Một.
Thành phố mới Bình Dương tuy mới hình thành, phát triển gần đây nhưng được du khách thập phương quan tâm thăm viếng nhờ có Chùa Bà Bình Dương mới và Chùa Hội An nơi đặt Ban Trị sự tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương.
Ngôi chùa được UBND tỉnh Bình Dương quy hoạch tại TP mới Bình Dương như điểm nhấn văn hóa. Chùa được xậy dựng hiện đại nhưng mang dáng dấp truyền thống của Chùa Việt Nam. Theo kế hoạch vào ngày mùng 9 tháng Giêng cạnh chùa Hội An là chùa Bà Bình Dương (mới) sẽ diễn ra lễ Rước Cộ Bà thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái.