Bình Dương đang điều trị 5.019 ca Covid-19, 107 bệnh nhân diễn biến nặng

Anh Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Bình Dương hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn với 5.019 bệnh nhân đang điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số người nhiễm không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời), có 107 người có diễn biến nặng.

Thứ trưởng Bộ Y tế rần Văn Thuấn cùng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y đã kiểm tra tình hình công tác chống dịch tại tỉnh Bình Dương. Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi mong muốn Bộ Y tế tiếp tục giúp Bình Dương về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, công tác xét nghiệm đang được tỉnh đẩy mạnh với việc hình thành 3 trung tâm xét nghiệm lớn dần đảm đương được.
 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn động viên nhân viên y tế ở cơ sở chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Còn theo ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính đến sáng 29/7, trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 9.540 ca mắc Covid-19. Trong đó 2.424 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 4.577 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, 1.419 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 1.069 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa) và 5 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch y tế.

Tỉnh Bình Dương hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn với 5.019 bệnh nhân đang điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số người nhiễm không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời), có 107 người có diễn biến nặng. Tỉnh Binh Dương cũng đã công bố 712 bệnh nhân khỏi bệnh.

Ông Nguyễn Hồng Chương cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch xây dựng 20.000 giường bệnh. Công tác điều trị của Bình Dương hiện nay được xây dựng theo mô hình điều trị “3 tầng” để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh.

Đối với người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng chiếm khoảng 80%, được tỉnh bố trí ở các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ thầy thuốc và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp Xquang di động.
 Các bác sĩ kiểm tra hình ảnh chụp Xquang cho bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương

Những bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến lên “tầng 2”. Còn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị tại các TTYT tuyến huyện. Những bệnh nhân nặng, chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị.

Trước buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra công tác điều trị theo mô hình tháp “3 tầng” của địa phương này.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị ngành y tế tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị theo mô hình tháp “3 tầng”, vận hành mô hình này linh hoạt và hiệu quả, không chuyển bệnh nhân quá sớm gây quá tải tuyến trên cũng như không chuyển quá muộn làm tăng nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Bình Dương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, thậm chí có các biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 tùy theo tình hình dịch bệnh, để bảo vệ tốt, tiến tới mở rộng “vùng xanh”, khóa chặt “vùng đỏ”. Không được để "ngoài chặt, trong lỏng"!

Thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch, Bộ Y tế huy động các địa phương, đơn vị hỗ trợ tỉnh, tuy nhiên tỉnh cũng cần phát huy nội lực của mình và để chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Về thực hiện xét nghiệm, tỉnh cần có chiến lược xét nghiệm linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm ứng dụng CNTT và xây dựng hệ thống thu gom mẫu từ tuyến xã, huyện, tỉnh và ban điều phối mẫu cấp tỉnh để rút ngắn thời gian chuẩn bị mẫu trước xét nghiệm và trả kết quả nhanh nhất có thể.

Trước đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã thăm, động viên thầy thuốc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang trực tiếp khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng biểu dương nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngại khó, không ngại khổ của đồng nghiệp đề nghị các thầy thuốc bám sát phác đồ điều trị, tập trung cứu chữa người bệnh tốt nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần