Sau 3 năm liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Lễ hội chùa Bà không tổ chức, hoặc tổ chức nhưng rút gọn, không rước cộ Bà. Năm nay, việc rước cộ Bà sẽ được tổ chức trở lại như thường niên để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong tỉnh và du khách thập phương.
Theo ghi nhận của phóng viên, trưa ngày 25/1, hàng nghìn người từ các địa phương trong tỉnh Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố lân cận đã đổ về chùa Bà Bình Dương thăm viếng, xin tài lộc, du xuân.
Lễ hội chùa Bà Bình Dương được xem là lễ hội văn hóa lớn nhất của tỉnh, diễn ra suốt tháng Giêng hàng năm. Trong những ngày này lượng khách hành hương đổ về chùa Bà đông dần lên từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết ngày Rằm tháng Giêng, sau đó lượng khách vãn dần đến hết tháng Giêng.
Viếng chùa Bà trong những diễn ra lễ hội, du khách sẽ thấy ngôi chùa kiến trúc theo lối cổ được trang hoàng cờ và nhiều đèn lồng rực rỡ từ cửa tam quan vào đến chính điện. Mười hai chiếc đèn lồng lớn cũng nhằm tượng trưng cho mười hai tháng trong năm, tạo cảnh quan ngày hội thêm lộng lẫy. Ngày 15 tháng Giêng là ngày mà Lễ hội chùa Bà Bình Dương sẽ tổ chức rước cộ Bà, với không khí rất sôi động.
Cộ Bà sẽ được rước đi quanh trung tâm TP Thủ Dầu Một cùng đội múa, ngoài ra còn hàng trăm đoàn lân sư rồng đi theo cộ Bà biểu diễn. Mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc... tại chùa và trước nhà mình nơi cộ Bà đi qua. Du khách đến viếng chùa Bà trong những ngày này đa số họ sẽ quay lại vào ngày rước cộ.
Gia đình chị Lê Hồng Phượng (quận 1, TP Hồ Chí Minh) gồm 5 thành viên đến viếng chùa Bà sáng nay cho biết: “Hàng năm gia đình tôi đi lễ chùa Bà Bình Dương hai lần, một lần vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 Tết, sau đó ngày tổ chức rước cộ Bà sẽ quay lại. Năm nào cung vậy, tôi đi chùa cầu mong Bà cho mọi người trong gia đình có nhiều sức khỏe, cuộc sống bình an...”.
Chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương, người dân trong vùng gọi là chùa Bà Bình Dương, là nơi thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ngôi chùa tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du, TP Thủ Dầu Một, do cộng đồng người Việt gốc Hoa góp phần xây dựng và hình thành từ năm 1923.
Giai thoại trong dân gian kể rằng, Bà tên là Lâm Mi Châu, sinh ở Phúc Kiến, đời nhà Tống, là con gái của một ngư phủ, bà vốn có tánh linh, truyền rằng: Một hôm cha và hai người anh bà đi đánh cá ngoài biển, chẳng may gặp biển động, thuyền bị chìm, lúc ấy Bà đang ngồi dệt lụa tại nhà bỗng nhiên nhắm nghiền mắt lại, đưa tay ra trước với dáng điệu như cố níu kéo một vật gì, người mẹ thấy vậy vội lay gọi bà, bà thu tay lại ngước mắt, cho mẹ hay là cha đã chết, chỉ cứu được hai anh thôi. Dân chúng trong vùng hay biết việc này đem lòng tín ngưỡng, từ đó, mỗi khi đi biển, họ thường đến xin bà phù hộ. Đến năm 27 tuổi bà mất, được vua Tống sắc phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu.