Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương khắc phục xong hố “tử thần” trước kỳ nghỉ lễ 30/4

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hố sụp có độ sâu quá lớn, khoét sâu vào thân đường 22/12, phải thay đổi mấy lượt xe cơ giới mới xuống được tận đáy để tìm ra nguyên nhân.

Trao đổi với phóng viên ngày 27/4, ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết, đơn vị đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, phấn đấu khắc phục xong sự cố "hố tử thần" trước ngày nghỉ lễ 30/4.
Đổ cát san lấp "hố tử thần" trên đường 22/12 TP Thuận An.
Đổ cát san lấp "hố tử thần" trên đường 22/12 TP Thuận An.

Như tin đã đưa, trước đó trên đường 22/12, thuộc địa bàn khu phố Hoà Lân II, phường Thuận Giao, TP Thuận An (Bình Dương), xuất hiện một "hố tử thần" gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Sau khi nhận được phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, từ thông tin của chính quyền địa phương và người dân, chiều 27/4, Phòng Quản lý Đô thị TP Thuận An (đơn vị quản lý tuyến đường 22/12 nơi xảy ra sự cố "hố từ thần" - PV) đã triển khai ngay công tác khảo sát hiện trường, xác định nguyên nhân để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời. 

"Hàm ếch" khoét sâu vào thân đường ở độ sâu trên 5 mét (Ảnh do Phòng Quản lý đô thị TP Thuận An cung cấp).
"Hàm ếch" khoét sâu vào thân đường ở độ sâu trên 5 mét (Ảnh do Phòng Quản lý đô thị TP Thuận An cung cấp).

"Qua khảo sát cho thấy, hố sụp có độ sâu quá lớn, hơn 5m. Đơn vị khảo sát phải nhiều lần thay đổi phương tiện cơ giới (xe cuốc) mới đủ khả năng bới tận đáy, tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hợp lý, bảo đảm ổn định lâu dài", ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, kết quả khảo sát cho thấy, phía dưới mặt đường, đoạn xảy ra sự cố có đến 2 lớp cống, gồm: Cống thoát nước thải và cống thoát nước mưa xếp chồng lên nhau. Bức tường ngăn giữa hai lớp cống được thi công riêng lẻ (do 2 công trình khác nhau) đã tạo khe hở. "Khi mưa lớn, nước chảy theo khe hở mang theo cát, đất của nền đường. Lâu ngày tạo thành “hàm ếch” ăn sâu vào thân đường và gây ra hố “tử thần”, ông Sơn nói.

Đào hết đất bùn nhão, đổ bê tông tươi để chống rò rỉ.
Đào hết đất bùn nhão, đổ bê tông tươi để chống rò rỉ.

Theo ông Sơn, giải pháp khắc phục lâu dài là đào hết lớp bùn đất lên; đổ tường bê tông kín chắn ngang giữa hai lớp cống và sử dụng bê tông tươi để gia cố, bảo đảm ổn định lâu dài, không xảy ra rò rỉ như trước.

Bảo đảm hoàn trả mặt đường trước kỳ nghỉ Lễ 30/4.
Bảo đảm hoàn trả mặt đường trước kỳ nghỉ Lễ 30/4.

"Dù với khối lượng công việc lớn, khó khăn nhưng đia phương quyết tâm khắc phục, hoàn trả mặt bằng giao thông trước khi nghỉ lễ 30/4. Sau đó, khi mặt đường đã ổn định, không còn lún, đơn vị thi công sẽ tiếp tục lu lèn, thảm nhựa hoàn thiện. Bằng giải pháp thi công kiên cố này công trình bảo đảm ổn định lâu dài, bền vững”, ông Sơn khẳng định.