Cả hai hội nghị này đều là sự kiện thường niên và thuộc loại đến hẹn lại lên. Chỉ có việc ông Obama đến Lào là mới mẻ vì ông Obama là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ đến thăm Lào. Không hề quá lời gì khi cho rằng lịch sử quan hệ song phương giữa Lào và Mỹ bước sang trang mới.
Hai nước này đã dính lứu đến nhau rất nhiều trong quá khứ lịch sử. Hậu quả và hệ lụy của thời đó đến nay vẫn phủ bóng xuống mối quan hệ giữa hai nước và hiện thử thách cũng như thách thức thiện chí và ý chí chính trị của cả hai nước trong quá trình thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Ông Obama tỏ ra đã ý thức được điều này khi có cách tiếp cận và phát biểu thích hợp đề cập đến trách nhiệm của Mỹ giúp Lào khắc phục hậu quả chiến tranh, cụ thể và đặc biệt trong vấn đề rà soát và phá hủy bom mìn từ thời chiến tranh. Lịch sử mối quan hệ giữa hai nước này giờ được sang trang mới bởi thời cuộc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nay đã thay đổi và bởi hai nước có lợi ích chiến lược chung với việc cùng nhau mở ra trang sử quan hệ mới. Lào cần có đối tác và đối trọng mới, có nhu cầu cấp thiết mở rộng quan hệ đối ngoại và thoát khỏi hình ảnh cũng như bị cảm nhận là quá thiên lệch về phía Trung Quốc, giống Campuchia trong quan hệ với Trung Quốc. Ông Obama muốn dùng chuyến đi châu Á lần cuối này và cả chuyến đi làm nên lịch sử ở Lào để khẳng định chiến lược coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cho thấy Mỹ không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở khu vực này, để phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.