Các điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép
Tại tỉnh Bình Thuận, hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn, khu vực trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong tháng 4 và tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can để điều tra về các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Tân, nguyên là Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ (49 tuổi, trú xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân) để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, do liên quan đến vụ khai thác khoáng sản tại huyện Hàm Tân.
Bên cạnh đó cũng thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Viết Quý (42 tuổi, trú xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân), là công chức địa chính xã Sơn Mỹ liên quan đến vụ khai thác khoáng sản tại huyện Hàm Tân.
Theo kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng có sự cấu kết rất tinh vi, phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể và có dấu hiệu của nhiều loại tội phạm.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ ra một số địa bàn nóng về tình trạng khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép, bao gồm: khu vực xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân); khu vực giáp ranh giữa xã Gia An và Gia Huynh (huyện Tánh Linh); khu vực suối Kè và các khu vực lân cạnh; xã Tân Hà (huyện Đức Linh); khu vực Bàu Sen, thị trấn Đức Tài và trạm bơm Đức Tài, sông La Ngà đoạn đi qua thị trấn Đức Tài; khu vực giáp ranh giữa xã Vũ Hòa (huyện Đức Linh); xã Gia An (huyện Tánh Linh); lòng hồ Biển Bạc, suối Lăng Quăng, sông La Ngà…
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, thời gian tới, dự báo nhu cầu vật liệu phục vụ thi công, xây dựng các công trình, dự án trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng. Đồng thời, tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường sẽ diễn ra phức tạp. Dễ hình thành các điểm nóng trên địa bàn, nhất là các địa bàn giáp ranh, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và môi trường đầu tư của tỉnh Bình Thuận.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm
Để giải quyết và kiểm soát hiệu quả tình hình, không để tạo thành các điểm nóng trên địa bàn tỉnh, ngày 4/6/2024, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có Công văn số 1039-CV/TU về tăng cường công tác quản lý và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.
Theo đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý chặt chẽ tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Trong đó, có việc lợi dụng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để khai thác khoáng sản trái phép.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, phê bình và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Xử lý nghiêm trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định (lợi dụng khai thác khoáng sản trái pháp luật).
Đồng thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng, Đảng viên để xử lý theo quy định; kịp thời thay thế, điều chuyển, kiện toàn cán bộ công tác trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn của địa phương, đơn vị.