Bình thường sao cho phải?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời điểm các nhà lập pháp Trung Quốc nhóm họp, đất nước này phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về phát triển kinh tế và về chính trị, xã hội.

Từ khá lâu nay, bộ máy thông tin tuyên truyền ở Trung Quốc đã rất tích cực chuẩn bị dư luận cho thực tế là phải rất lâu nữa, nếu như không nói là không thể, có lại được nhịp độ tăng trưởng kinh tế năng động và ấn tượng đã từng có và phải coi thực trạng đó là chuyện bình thường.

Ngay trước thềm kỳ họp này của Quốc hội Trung Quốc, Ngân hàng T.Ư Trung Quốc đã lại một lần nữa giảm lãi suất cơ bản, và đây là lần thứ ba liên tiếp kể từ tháng 11 năm ngoái. Năm ngoái là lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, Trung Quốc không đạt được mức chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Và mọi dự báo, kể cả những dự báo khả quan nhất trong số đó, đều theo hướng mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 này sẽ còn thấp hơn cả năm ngoái. Nếu kỳ họp này của Quốc hội Trung Quốc không tìm ra được đối sách thích hợp thì triển vọng sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Trung Quốc sẽ khó có thể được cải thiện.

Câu hỏi được đặt ra là trong bối cảnh và viễn cảnh như thế thì nên hay phải hiểu như thế nào về khái niệm "bình thường" đang được đề cập cả về lý luận lẫn trên thực tế ở Trung Quốc? Phải chăng Trung Quốc chủ ý coi chuyện mức độ tăng trưởng kinh tế không còn được cao và ổn định ở mức độ cao ấy nữa là bình thường hay chuyện mức độ tăng trưởng kinh tế sẽ còn giảm nữa là bình thường? Nhưng dù có định nghĩa khái niệm này như thế nào thì cũng vẫn thấy Trung Quốc đang bị thách thức cả về kinh tế vĩ mô lẫn vi mô, cả về cơ cấu ngành lẫn thể chế. Những thách thức này buộc Trung Quốc phải tiến hành một quá trình thích ứng hóa không dễ bắt đầu và chưa biết đến khi nào mới hoàn tất. Nếu coi việc thích ứng hóa này là bình thường thì hiện Trung Quốc chưa trả lời được câu hỏi bình thường sao cho phải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần