Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bio-Floc và khát vọng khởi tạo hệ sinh thái bền vững

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi còn là sinh viên, anh Đỗ Hoành Quân đã yêu thích nghiên cứu ứng dụng vi sinh trong xử lý môi trường nông nghiệp. Sau gần 10 năm gây dựng, đến nay Bio-Floc đã là một trong những DN nghiên cứu các dòng vi sinh gốc ứng dụng vào sản xuất hàng đầu tại Việt Nam.

Thạc sĩ Đỗ Hoành Quân kiểm tra hệ thống lên men vi sinh tại Công ty TNHH Bio-Floc. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thạc sĩ Đỗ Hoành Quân kiểm tra hệ thống lên men vi sinh tại Công ty TNHH Bio-Floc. Ảnh: Lâm Nguyễn

“Đi một ngày đàng…”

Sau nhiều lần hẹn gặp, phóng viên mới có cơ hội tiếp xúc trực tiếp Giám đốc Công ty TNHH Bio-Floc Đỗ Hoành Quân khi anh vừa có chuyến công tác vào Đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) trong chương trình hợp tác đào tạo của DN với trường đại học, nhằm phát triển những dự án nghiên cứu có sự tham gia của sinh viên.

“Những ý tưởng sáng tạo của sinh viên hết sức quan trọng. Chính vì vậy, hàng năm Bio-Floc đều dành ngân sách để hỗ trợ các nghiên cứu của sinh viên, cũng như “bắt tay” với các đối tác là những viện, trường đại học để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng trong lĩnh vực vi sinh…” - anh Đỗ Hoành Quân cho biết.

Chàng trai sinh năm 1985 đam mê nghiên cứu từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nơi anh đã cùng các cộng sự tham gia nhiều dự án nghiên cứu trong lĩnh vực vi sinh. Sau khi tốt nghiệp, trở ra Hà Nội được ít lâu, anh Quân cùng một đồng sự khác lại khăn gói vào miền Tây Nam Bộ, tiếp tục khảo sát, thực hiện các dự án về nuôi trồng thủy sản.

Hai năm ăn nằm tại các vựa tôm cá ở miền Tây Nam Bộ giúp anh Quân nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là ở hai yếu tố môi trường ao nuôi và dinh dưỡng cho thủy sản. “Giai đoạn 2011 - 2012, nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn từ hệ lụy của việc sử dụng quá nhiều hóa chất, kháng sinh khiến dịch bệnh lan tràn. Đó là lý do chúng tôi quyết định thành lập công ty chuyên nghiên cứu các dòng vi sinh gốc để ứng dụng vào thực tiễn nuôi trồng thủy sản nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ vật nuôi…” - anh Quân cho biết. Năm 2013, Công ty TNHH Bio-Floc cũng chính thức ra đời từ định hướng mục tiêu rõ ràng đó.

Lấy ngắn nuôi dài

Câu chuyện khởi nghiệp khi nào cũng khó khăn, nhất là với những người trẻ, ít vốn, thiếu kinh nghiệm. Đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ vi sinh vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ tại Việt Nam nói chung.

Theo anh Quân, đầu tư cho khoa học công nghệ cần nguồn vốn rất lớn, bởi các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu đều phải nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến, chứ các nhà sản xuất trong nước chưa thể chế tạo được. Một nhà xưởng rộng hơn 100m2 tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) là tất cả những gì Đỗ Hoành Quân có ở thời điểm khởi nghiệp vào năm 2013.

Nghiên cứu được một sản phẩm đã khó, việc thay đổi tư duy của các hộ dân để họ sử dụng sản phẩm của mình còn khó khăn hơn nhiều lần. Nhớ lại ngày đó, Quân cùng các đồng sự phải đi tư vấn, thuyết phục từng hộ nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội và các địa phương lân cận.

Gom nhặt từng chút thành quả, rồi sau đó lại đầu tư ngược trở lại cho nghiên cứu khoa học ứng dụng. Cứ thế “lấy ngắn nuôi dài”, cho đến nay, Công ty TNHH Bio-Floc đã có hai phân xưởng được gây dựng tại huyện Phúc Thọ, tiến hành nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp.

 

Bio-Floc lấy chất lượng sản phẩm và dịch vụ là nền tảng phát triển, đồng hành cùng người dân gây dựng hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản bền vững, tạo nên giá trị gia tăng cho cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau…
Giám đốc Công ty TNHH Bio-Floc Đỗ Hoành Quân

Xác định khoa học công nghệ là hướng đi tối quan trọng trong việc cải thiện môi trường ao nuôi và năng suất, chất lượng cho nuôi trồng thủy sản, Bio-Floc đã bắt tay với nhiều Viện, trường đại học để đẩy mạnh triển khai các dự án. “Hàng năm, Công ty đều dành 1 - 2% doanh thu để liên kết thực hiện các đề tài nghiên cứu, từ đó thực nghiệm nhằm đánh giá khả năng ứng dụng vào thực tiễn…” - Giám đốc Bio-Floc Đỗ Hoành Quân cho biết.

Hướng đến nền sản xuất an toàn

Sau gần 10 năm gây dựng, đến nay Công ty TNHH Bio-Floc đã đi vào vận hành ổn định. Hiện, riêng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đơn vị đã nghiên cứu phát triển được hơn 30 dòng sản phẩm, chủ yếu là xử lý môi trường ao nuôi, men tiêu hóa, nguyên liệu phối trộn thức ăn cho thủy sản…

Nghiên cứu ứng dụng vi sinh tại Công ty TNHH Bio-Floc.. Ảnh LÂM NGUYỄN
Nghiên cứu ứng dụng vi sinh tại Công ty TNHH Bio-Floc.. Ảnh LÂM NGUYỄN

Điều đáng khích lệ là nhờ chất lượng tốt nên các dòng sản phẩm của Bio-Floc được thị trường đón nhận rất tích cực. Công ty đã “bắt tay” được với hàng chục DN, cơ sở nuôi trồng và sản xuất, kinh doanh thức ăn cho thủy sản có tiếng như: Thủy sản Tới Ánh (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang); Công ty TNHH Việt Tín Aqual và Công ty Thủy sản PP Việt Nam (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)…

Sản phẩm của Bio-Floc cũng được người nuôi trồng thủy sản đánh giá cao. “Từ khi sử dụng men vi sinh Bio-Floc, môi trường ao nuôi được cải thiện rõ rệt, cá lớn nhanh, khỏe, tỷ lệ mầm bệnh thấp…” - anh Lại Văn Hòa, một hộ nuôi trồng thủy sản tại huyện Vũ Thư (Thái Bình) chia sẻ sau quá trình sử dụng chế phẩm của Bio-Floc.

Hiện nay, các dòng sản phẩm của Bio-Floc đang tiêu thụ tương đối tốt trên thị trường. Công ty đã phát triển được hệ thống phân phối trải dài từ Bắc vào Nam, với tổng số khoảng 500 đại lý, cơ sở kinh doanh có bán các sản phẩm cải thiện môi trường ao nuôi và men vi sinh…

Việc ổn định sản xuất, kinh doanh giúp Bio-Floc thu về trung bình hơn 30 tỷ đồng mỗi năm tính trong 3 năm gần nhất. Công ty cũng đang tạo việc làm cho khoảng 30 lao động. Đây là điều kiện để Bio-Floc tiếp tục có được ngân quỹ để hỗ trợ sinh viên, liên kết với các đối tác đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng trong lĩnh vực vi sinh.

Thúc đẩy nghiên cứu để tạo ra những chủng vi sinh khác biệt nhằm giảm giá thành sản xuất trong lĩnh vực thủy sản cũng là vấn đề được Giám đốc Bio-Floc Đỗ Hoành Quân nhắc đến đầu tiên khi được hỏi về định hướng phát triển. Theo anh Quân, song hành với chất lượng, việc ứng dụng công nghệ để hạ thấp chi phí đầu tư cho bà con là rất quan trọng nhằm khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản thay đổi nhận thức, hướng đến một nền sản xuất an toàn hơn.

Thời gian tới, Bio-Floc cũng sẽ mở rộng hoạt động nghiên cứu sang một số lĩnh vực nông nghiệp khác, đặc biệt là trồng trọt. Thực tế hiện nay, Bio-Floc đã có một số dòng thuốc trừ sâu sinh học và sản phẩm quản lý sâu bệnh hại trên cây trồng. Hiệu quả đánh giá bước đầu là khá tích cực và có tiềm năng phát triển lớn.