Bịt lỗ hổng trong đấu thầu: Giám sát để tăng minh bạch

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 9 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu 2013 được đánh giá đã có rất nhiều bước tiến. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, một số nội dung cần sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Mảnh đất màu mỡ

Liên tiếp thời gian qua, hàng loạt vụ án sai phạm trong đấu thầu bị khởi tố. Những sơ hở của Luật Đấu thầu bị các đối tượng lợi dụng nhằm trục lợi, làm dự án chậm tiến độ, gây thất thoát tiền của Nhà nước, tạo sự bất bình đẳng, khiến các bên tham gia đấu thầu bức xúc. Đơn cử, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk mới đây công bố kết luận thanh tra chuyên đề về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine phòng, chống Covid-19 trên địa bàn năm 2020 - 2021.

Qua thanh tra 33/44 gói thầu, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện Sở Y tế chưa công khai, minh bạch trong việc lựa chọn loại kit test nhanh để mua sắm, chỉ lựa chọn duy nhất một loại để thẩm định, xây dựng giá gói thầu. Ngoài ra, Sở Y tế Đắk Lắk lựa chọn một số thiết bị y tế để mua sắm có số lượng vượt hoặc không có trong đề xuất của Hội đồng khoa học, tổng số tiền chênh lệch hơn 11,7 tỷ đồng…

Thời gian vừa qua đã có nhiều sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại một số cơ sở y tế. Trong ảnh: Nhân viên y tế vận hành thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Hùng
Thời gian vừa qua đã có nhiều sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại một số cơ sở y tế. Trong ảnh: Nhân viên y tế vận hành thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Hùng

Hay như trong lĩnh vực mua sắm thiết bị giáo dục, dạy học, thực trạng hoạt động của “quân xanh, quân đỏ” hiện hữu trong nhiều dự án đầu tư trang thiết bị ngành giáo dục.

Ngày 22/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cùng 3 thuộc cấp và 2 giám đốc DN về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Với nhiều chiêu trò, thủ thuật, nhóm cán bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại đối với 2 gói thầu khoảng 9,3 tỷ đồng.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Phú Yên phát hiện nhiều sai phạm trong đấu thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh này. Đơn cử như gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị môn Tin học, trúng thầu với giá 3,5 tỷ đồng, tương đương đơn giá 8,4 triệu đồng/bộ. Trong khi đó, cùng thời gian, theo thỏa thuận khung mua sắm tập trung của Sở Tài chính Phú Yên thì loại máy vi tính để bàn có cấu hình tương đương và hơn nhưng có giá thấp hơn là 7,9 triệu đồng/bộ. Việc lập hồ sơ mời thầu cũng không đúng quy định pháp luật về đấu thầu.

Đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất nhằm tiết kiệm chi phí tối đa cho Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu gây thất thoát tài sản lớn. Đáng chú ý là các sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...

Theo Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin - truyền thông... mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Cần thiết phải sửa đổi luật

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Trần Hào Hùng cho biết, tại kỳ họp tháng 10/2022 sẽ trình Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đầu tiên ra Quốc hội, tới kỳ họp tiếp theo (năm 2023) sẽ thông qua lần cuối. Tại hồ sơ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ KH&ĐT chỉ rõ: Tình trạng vi phạm pháp luật về đấu thầu có chiều hướng giảm nhưng hành vi “thông thầu” vẫn diễn biến phức tạp.

Bịt lỗ hổng trong đấu thầu: Giám sát để tăng minh bạch - Ảnh 1

Các hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng khống giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật này. Theo đó, quá trình triển khai thi hành Luật đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Một số Luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, điển hình như khâu thẩm định, trong đó có thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập; hình thức “Chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa…

Mặt khác, hiện nay Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có 3 Hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp thiết.

Minh bạch với sự giám sát của cộng đồng

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, đối với vấn đề giám sát hoạt động đấu thầu, có hơn 57% bên mời thầu cho rằng cần thiết phải có tổ chức xã hội giám sát trong hoạt động đấu thầu, để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động này, đặc biệt ở giai đoạn “tổ chức lựa chọn nhà thầu”. Tổ chức giám sát xã hội có thể là hiệp hội DN, cơ quan báo chí, các cơ quan đại diện cho nhóm yếu thế (Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi)…

Hiện nay, hoạt động đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để chủ đầu tư sai phạm. Từng tham gia ĐTQM, một nhà thầu tâm sự: "Dù công khai, minh bạch nhưng thực tế đều do chủ đầu tư quyết. Bên mời thầu do chủ đầu tư thuê nên viết Hồ sơ mời thầu đều theo ý chủ đầu tư. Do đó, nhiều chuyện dở khóc dở cười xung quanh đấu thầu qua mạng. Để quyết giao thầu cho nhà "thầu quen", chủ đầu tư gợi ý cho bên mời thầu viết hồ sơ mời thầu với điều kiện cao ngất, “ngược đời” để hạ gục nhà thầu khác.

Anh L, người chuyên trúng thầu tiết lộ: "Nhiều gói thầu trị giá cả nghìn tỷ đồng nếu không có tay trong thì không thành công. Với trường hợp gói thầu cả nghìn tỷ đồng, nhiều công ty có tiếng tăm tham gia. Tất cả các yêu cầu của bên mời thầu, các công ty đều đủ tiêu chuẩn đáp ứng duy có điều kiện, có nhận bằng khen của Bộ Tài chính hoàn thành nghĩa vụ thuế chỉ có công ty anh L đủ điều kiện. Hồ sơ mời thầu như được viết sẵn cho công ty anh L...

Theo các chuyên gia đấu thầu, lợi ích từ việc thực hiện ĐTQM là rất lớn, song ĐTQM thành công hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của các bên mời thầu/chủ đầu tư đưa công tác đấu thầu đi đúng tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Trong quá trình ấy, vẫn rất cần sự giám sát từ cộng đồng, để chất lượng thực hiện ĐTQM được nâng cao hơn nữa.

 

"Hiện, đang có nhiều lỗ hổng trong công tác đấu thầu như thẩm định giá, nâng khống, thông thầu "quân xanh quân đỏ", chỉ định thầu… Cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện quá trình lựa chọn nhà thầu. Xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định Luật Đấu thầu." - GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Khảo sát thực hiện trong năm 2021 của VCCI cho thấy, 25,5% DN cho biết, họ có chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu, khoảng 10,3% cho biết do cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư gợi ý. Đáng lưu ý, có tới 58,9% DN cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là “luật bất thành văn” mà DN phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần