Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Blockchain - lựa chọn tốt cho người trẻ yêu công nghệ

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghệ chuỗi khối (blockchain) có mặt ở Việt Nam đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn là khái niệm rất mới mẻ với nhiều phụ huynh, học sinh.

Các chuyên gia cho rằng, blockchain là xu hướng công nghệ của tương lai và mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ.

Ứng dụng rộng rãi

Blockchain là một công nghệ đặc biệt giúp lưu trữ thông tin an toàn và tin cậy. Đó là một quyển sổ cái lớn - nơi tất cả mọi người có thể xem và sử dụng nhưng không ai có thể xóa hoặc thay đổi những gì đã được viết, từ đó bảo đảm tuyệt đối độ tin cậy, minh bạch của thông tin.

Blockchain cũng được gọi là mạng lưới phân tán vì dữ liệu không chỉ được lưu trữ trên một máy tính duy nhất mà được chia thành nhiều phần, lưu trữ trên nhiều máy tính khác nhau trên toàn thế giới. Do vậy, nếu một máy tính bị hỏng hoặc bị tấn công, thông tin vẫn được giữ an toàn trên những máy tính khác.

Công nghệ khối chuỗi cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới. Cơ sở dữ liệu blockchain lưu trữ dữ liệu tại các khối được liên kết với nhau trong một chuỗi. Dữ liệu có sự nhất quán theo trình tự thời gian, không thể xóa hoặc sửa đổi chuỗi mà không có sự đồng thuận từ mạng lưới. Chính bởi đặc điểm này, công nghệ chuỗi khối hiện đang được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các dữ liệu đã được hệ thống chấp nhận sẽ không thể thay đổi. Do đó, blockchain được sử dụng để chống lại các hành vi gian lận hoặc thay đổi dữ liệu.

Công nghệ khối chuỗi (blockchain) được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa
Công nghệ khối chuỗi (blockchain) được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa

Điểm đặc thù của công nghệ blockchain là không cần sự xác nhận bởi bất kỳ bên trung gian nào. Bởi vì hệ thống được xác thực bởi chính các nút (máy tính) hoạt động độc lập tham gia vào mạng lưới. Chính những ưu điểm kể trên đã khiến blockchain trở thành một công cụ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; bao gồm nhóm ngành công nghệ và không công nghệ.

Cụ thể, nhóm này được đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình. Nhân sự có thể có kinh nghiệm về blockchain; các vị trí công việc trong nhóm này có thể là lập trình viên blockchain, kỹ sư blockchain. Đối với những người đã có nền tảng công nghệ thì blockchain vẫn là một khối kiến thức mới nên sẽ phải cập nhật thêm các kiến thức liên quan đến blockchain như ngôn ngữ mã hóa Ethereum Solidity hoặc giao thức Ripple.

Cũng giống như các DN thuộc các lĩnh vực khác, ngành blockchain cũng cần đến kế toán, luật sư, nhân viên bán hàng, nhân sự, marketing và nhiều vị trí khác.

Gia tăng nhu cầu tuyển dụng

Khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của blockchain đã tạo ra nhu cầu sử dụng lớn đối với công nghệ này trên thị trường. Từ đó kéo theo sự gia tăng về nhu cầu tuyển dụng.

Các số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành blockchain gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Số lượng tin tuyển dụng công khai liên quan đến blockchain cũng tăng nhanh qua từng năm. Điển hình là năm 2017 có 4.000 tin tuyển dụng. Nhưng đến năm 2019 con số này là 12.000 tin. Đến thời điểm hiện tại, tin tuyển dụng nhân sự blockchain tăng lên gấp nhiều lần.

Thị trường việc làm trên khắp thế giới đều ráo riết săn tìm những nhà phát triển và kiến trúc sư blockchain, nhất là khu vực Âu - Mỹ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thị trường việc làm Việt Nam. Hiện tại thị trường chỉ đáp ứng được 430.000 lao động. Có đến 20.000 vị trí cần tuyển dụng nhưng vẫn đang bỏ trống vì chưa tìm được nhân sự phù hợp. Các công ty sẵn sàng trả lương cao hơn từ 20 - 30% so với các vị trí việc làm IT khác để thu hút nhân tài.

Một báo cáo gần đây của nền tảng đánh giá kỹ năng công nghệ DeSkiller cũng chỉ ra rằng, chỉ trong năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm trong lĩnh vực blockchain đã tăng ở mức kỷ lục 552%, chứng minh cán cân cung - cầu đang mất cân bằng trầm trọng bởi số lượng nhân sự đạt yêu cầu quá ít so với nhu cầu khổng lồ của thị trường.

Chia sẻ về blockchain, TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm bộ môn cao cấp Kinh doanh ứng dụng Blockchain tại Đại học RMIT, thông tin: những công nghệ số như blockchain và trí tuệ nhân tạo đang tạo sự biến đổi mạnh mẽ trong nhiều ngành kinh doanh và tài chính trên toàn cầu.

Các sinh viên tương lai bất kể ngành học lựa chọn là y học, xã hội học, kinh tế học, toán học, kinh doanh, luật hay marketing, đều cần tiếp cận và học hỏi về ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực của mình.

Điều đáng lưu ý, nhu cầu về blockchain rất lớn nhưng hiện chưa có nhiều chương trình đào tạo chính quy tại các trường đại học hoặc trung tâm đào tạo tại Việt Nam, hoặc nếu có cũng chỉ dạy sơ về kiến thức tổng quát về công nghệ mà không đi sâu khai thác về tính ứng dụng thực tế.

Người học có nhu cầu học về blockchain có thể tìm hiểu các cơ sở uy tín như: RMIT, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - Đại học Quốc gia Hà Nội…

Ngoài ra, để nắm vững các kiến thức mới mẻ này, người học có thể tìm hiểu và đăng ký các khóa đào tạo online, ngắn hạn, nghiên cứu tài liệu miễn phí. Để tham gia các khóa học ngắn hạn đòi hỏi học viên phải có kiến thức lập trình tốt cùng các hiểu biết nhất định về blockchain.

Blockchain tiềm năng là vậy, nhưng sinh viên không nhất thiết phải từ bỏ đam mê hiện tại để theo học về công nghệ này. Thay vào đó, hãy coi đây là một lĩnh vực kiến thức có thể bổ trợ rất tốt cho công việc tương lai và hướng tới một chương trình đại học có giảng dạy về blockchain để tạo được lợi thế cho bản thân so với bạn bè cùng trang lứa.

“Tương tự như cách máy tính,internet đã thay đổi cuộc sống và các ngành kinh doanh trong 20 - 30 năm trở lại đây, những công nghệ số mới cũng sẽ nhanh chóng thay đổi cách chúng ta xây dựng nền kinh tế, DN và ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề. Chính vì vậy, việc học hỏi và làm chủ được những công nghệ số này sẽ là điều tất yếu để sinh viên có thể thành công được trong nền kinh tế số…” - TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

 

Các chuyên gia tuyển dụng tiết lộ, nhân sự nhóm ngành kinh doanh, công nghệ có kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến blockchain đang nhận mức lương cao gấp 1,5 lần so với các ngành khác với cùng kinh nghiệm làm việc. Riêng lĩnh vực lập trình viên, tại Mỹ, lập trình viên blockchain có thể kiếm được từ 140.000 - 180.000 USD/năm.

Trong khi đó, mức lương trung bình của lập trình viên chỉ khoảng 105.000 USD/năm. Còn tại Việt Nam, vị trí lập trình viên blockchain có mức lương trung bình khoảng 2.241 USD/tháng. Trong khi đó nhóm lập trình viên phát triển AI có mức lương khoảng 1.844 USD/tháng.