Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Blockchain Việt: “Mỏ vàng” đang “chảy máu”

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một điểm sáng trên toàn cầu về Blockchain, đặc biệt là tại mảng game nhưng có một thực tế phũ phàng rằng hầu hết các startup do người Việt đứng đầu đều có đăng ký kinh doanh tại Singapore hay Malaysia thay vì đặt trụ sở chính ở trong nước.

Startup hàng tỷ USD đóng thuế 0 đồng

Được xác định là một trong các cấu phần chính kỷ nguyên tiếp theo của Internet toàn cầu bên cạnh vũ trụ ảo metaverse - Trí tuệ nhân tạo AI - Web 3.0, Blockchain đã có những bước phát triển thần tốc trong vài năm gần đây khi ngày càng được áp dụng nhiều trong công nghệ phục vụ đời sống. Đáng chú ý, ở lĩnh vực này, hiện Việt Nam đang là một trong những điểm sáng và có chỗ đứng nhất định trên bản đồ Blockchain thế giới.

Theo thống kê, trong Top 200 doanh nghiệp Blockchain của thế giới, Việt Nam đang có khoảng từ 7 - 10 cái tên góp mặt. Những doanh nghiệp khởi nghiệp này đều có vốn hóa trên 100 triệu USD. Chỉ tính riêng ở thị trường Việt Nam, tới đầu tháng 5/2022, đã có hơn 1.000 dự án Blockchain được triển khai. Đình đám nhất có thể kể đến là Sky Mavis - “cha đẻ” của tựa game Blockchain Axie Infinity có giá trị vốn hóa từng xấp xỉ 10 tỷ USD.

Sở hữu tựa game tỷ USD và do người Việt đứng đầu nhưng Sky Mavis không mang lại đồng thuế nào cho Việt Nam.
Sở hữu tựa game tỷ USD và do người Việt đứng đầu nhưng Sky Mavis không mang lại đồng thuế nào cho Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động rằng: Gần như 100% các startup về game Blockchain, mảng đang tạo ra doanh thu cũng như đầu tư cực lớn đều đăng ký kinh doanh tại các quốc gia như: Singapore, Hàn Quốc hay Malaysia thay vì tại Việt Nam. Trên thực tế, có tới 50% startup công nghệ Việt nói chung có lựa chọn tương tự.

Tiêu biểu như trường hợp của Sky Mavis, có người sáng lập là người Việt, đội ngũ nhân sự chính làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhưng đăng ký kinh doanh lại ở Singapore. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đang “chảy máu” không chỉ về tiền thuế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn là về cả con người lẫn công nghệ.

Theo tìm hiểu, việc thu thuế của một startup Blockchain như trên là gần như bất khả thi và nếu có cũng chỉ là rất nhỏ, không thấm vào đâu. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc công ty con đặt ở Việt Nam thường chỉ đảm nhiệm các công đoạn gia công cho công ty mẹ đặt ở nước ngoài như: Thiết kế đồ họa, sửa lỗi game, thêm tính năng cần thiết… thay vì vận hành chính thức các mảng miếng mang lại doanh thu cao.

Ngoài ra, doanh thu lớn nhất của các tựa game Blockchain lại nằm ở sự tăng giảm đồng Token, đơn vị tiền ảo kiếm được trong game. Mà sự biến động này lại không liên quan đến công ty con ở Việt Nam hay nói rộng hơn về mặt quy định của pháp luật vốn hóa tiền ảo sẽ không tính vào doanh thu hay lợi nhuận của startup.

Từ những lý do trên, có thể lý giải cho việc tại sao một Sky Mavis đình đám thế giới, có giá trị vốn hóa lên hàng tỷ USD, số tiền đầu tư được rót vào mỗi lần lên đến hàng trăm triệu USD… nhưng đến 6/2021, tổng số tiền mà startup này đóng thuế ở Việt Nam chỉ là 0 đồng.

Hành lang pháp lý rõ ràng là chìa khóa

Lý giải về nguyên nhân các startup Blockchain Việt luôn chọn nước ngoài làm nơi “khai sinh” nhà sáng lập của FAM Central - Duy Trần cho biết, tại những quốc gia như Singapore hay Malaysia các quy định pháp lý về tiền ảo cũng như Blockchain là rất rõ ràng và đầy đủ, trong khi đó, ở trong nước những điều này đang gần như ở con số 0.

"Bên cạnh đó, các quy định về hỗ trợ startup từ quá trình đăng ký, tư vấn, pháp luật, thuế tại Singapore hay Malaysia cũng cực kỳ ưu đãi và thuận lợi, tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam. Do đó, các nhà đầu tư cũng ưa thích và dễ dàng rót vốn cho những startup được bắt đầu từ những quốc gia trên" - ông Duy Trần nói.

Không phải tự nhiên mà Singapore được coi là “thiên đường” của startup, bởi trên thực tế tại quốc gia này có quá nhiều ưu đãi dành cho các dự án khởi nghiệp. Có thể kể đến như: Chương trình miễn thuế từ 50 - 70% trong 3 năm đầu cho các startup, không đánh thuế hai lần trên cùng một loại thu nhập...

Đối với tiền ảo, mặc dù startup phải có giấy phép để hoạt động nhưng lại được cơ quan quản lý linh động cho phép hoạt động ngay từ quá trình chờ hoàn thiện đăng ký giấy phép. Ngoài ra, Singapore cũng là một trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng tiền ảo như một phương tiện trao đổi. Đây là cơ sở cực kỳ quan trọng để phát triển các startup tiền ảo và Blockchain.

Ở góc độ của một startup Blockchain, CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung cho rằng, khung pháp lý chưa là điểm trừ rất lớn của Việt Nam khi đứng trước lựa chọn làm nơi “khai sinh” của startup. Thông thường, startup mở ở Việt Nam sẽ mất khoảng từ 3 - 6 tháng để hoàn tất các thủ tục, với quãng thời gian này nhiều dự án có thể đã phải khai tử rồi. 

"Các startup công nghệ nói chung thường đặt mục tiêu phát triển ra quốc tế chứ thay vì tự bó hẹp mình trong phạm vi một quốc gia. Việc lựa chọn những nơi như Singapore sẽ giúp quá trình gọi vốn để phát triển diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn. Trong khi đó ở Việt Nam, thương vụ đầu tư có giá trị càng cao thì khó khăn cũng càng nhiều, từ quy định của pháp luật cho đến thuế má " - ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Đoàn cho rằng để tránh các dự án game Blockchain đi theo "vết xe đổ" của Flappy Bird, Việt Nam cần có quy định rõ ràng về mặt pháp lý dành cho Blockchain cũng như tiền ảo. Đây cũng là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay đối với các startup công nghệ do người Việt sáng tạo. 

Việc sớm ra những quy định cụ thể về sandbox cũng có thể khiến startup Việt “khai sinh” ở nước ngoài dần chuyển dịch một phần hoạt động kinh doanh về trong nước. Bên cạnh đó cũng cần nhiều cải thiện từ hệ sinh thái khởi nghiệp đi kèm, đăng ký hoạt động cho các mô hình kinh doanh mới, cơ chế thông thoáng hơn cho việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài …

"Đặc biệt là vấn đề thuế, Việt Nam cần có cái nhìn thông thoáng và dài hạn hơn về khoản này. Hầu hết các startup muốn liên tục phát triển thì cần lượng tiền đầu tư rất lớn để mở rộng. Một chính sách thuế ưu đãi tương tự như Singapore sẽ giúp những dự án khởi nghiệp vươn tầm sớm hơn. Tính về ngắn hạn, Việt Nam sẽ mất một khoản thuế nhất định cho startup nhưng về dài hạn, khi các startup này trưởng thành thì con số thu về sẽ lớn gấp rất nhiều lần" - ông Nguyễn Thành Đoàn đưa ra lời khuyên.