Theo kết quả khảo sát của hãng sản xuất đồ dùng nấu bếp Tefal, các gia đình ở Anh đã bỏ đi gần 18 triệu gói đồ ăn đã được chế biến sẵn sau khi vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò" bị phát hiện ở "đảo quốc sương mù" và các nước châu Âu hồi đầu năm nay.
Tefal cho biết số đồ ăn này tương đương với hơn 13.500 tấn, bao gồm các loại xúc xích, bánh burger và bánh pa-tê đã bị ném vào thùng rác kể từ khi vụ bê bối này xảy ra.
Khảo sát của Tefal cũng cho thấy vụ bê bối thịt "hai trong một" này đã có những ảnh hưởng tích cực đến thói quen ăn uống của người dân Anh khi mà họ ý thức hơn về các nguy cơ đối với sức khỏe do ăn quá nhiều đồ chế biến sẵn.
Trong số 2.007 người được hỏi ý kiến thì có đến 24% cho biết họ đã hạn chế việc ăn đồ được chế biến, trong khi gần 30% tránh việc sử dụng loại đồ ăn này sau khi vụ bê bối thịt ngựa bị phát hiện.
Thịt bò bày bán tại một cửa hàng ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò" bùng phát vào giữa tháng Một vừa qua ở châu Âu khi cơ quan chức năng Ireland phát hiện thịt ngựa có trong sản phẩm thịt bò đông lạnh do các công ty ở nước này và Anh sản xuất, được bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn của Anh, nước coi việc ăn thịt ngựa là điều cấm kỵ.
Vụ bê bối này đã lan sang hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), không chỉ khiến các doanh nghiệp bán lẻ ở lục địa này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn khiến ngành công nghiệp chế biến thịt lâm vào cảnh điêu đứng và làm giảm sút lòng tin của người tiêu dùng.
Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tháng trước cho biết trong số 2.250 mẫu sản phẩm thịt bò tại các nước EU được đưa đi kiểm nghiệm ADN, có tới gần 5% các mẫu sản phẩm này chứa thành phần thịt ngựa.
Theo báo cáo này, Pháp là nước có số sản phẩm "thịt ngựa giả bò" nhiều nhất trong các mẫu thử. Có tới 47 trong tổng số 353 mẫu thử của Pháp mang ADN của thịt ngựa (hơn 13%).
Hy Lạp là nước phát hiện số sản phẩm "thịt ngựa giả thịt bò" nhiều thứ hai với 36 trong tổng số 288 mẫu thử có pha trộn thịt ngựa (chiếm tới 12,5%). Đức cũng phát hiện thấy 29 trong tổng số 867 mẫu thử có thành phần thịt ngựa.
Tại Anh, 150 mẫu thử được xác nhận là không có thành phần thịt ngựa, và "thịt ngựa giả thịt bò" chỉ bị phát hiện có trong bánh burger và một số sản phẩm khác bày bán trong các siêu thị bán lẻ.
Song, một quan chức cấp cao của EU khẳng định Anh là nước phát hiện thành phần phenylbutazone có trong sản phẩm thịt bò nhiều nhất./.