Bộ ba liên thủ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới ngỡ ngàng khi Anh, Ý, và Nhật bí mật hợp tác chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ mới cùng một loạt khí tài quân sự.

CHình ảnh mô phỏng máy bay thế hệ mới của Anh, Nhật và Ý. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Hình ảnh mô phỏng máy bay thế hệ mới của Anh, Nhật và Ý. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bị ngỡ ngàng khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố ba nước: Anh, Ý và Nhật Bản nhất trí hợp tác chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 cùng với một số loại khí tài quân sự trong một vụ thương thảo bí mật đến phút chót.

Thỏa thuận hợp tác mà bộ ba gọi là "Liên minh xưa nay chưa từng có trên thế giới về hàng không và vũ trụ" có tên gọi chính thức là Global Combat Air Programme, tạm dịch là Chương trình chiến đấu toàn cầu ở trên không. Lộ trình cụ thể là năm 2027 sẽ xuất xưởng chiếc máy bay đầu tiên và từ năm 2035 sẽ được sử dụng thay thế tất cả máy bay tiêm kích hiện tại ở cả ba nước. Đức và Tây Ban Nha cũng đang thực hiện chương trình hợp tác với mục tiêu tương tự với thời hạn hoàn thành là năm 2040.

Rõ ràng bộ ba kia chủ ý đến đích trước Đức và Tây Ban Nha. Anh, Ý và Nhật đều nhấn mạnh sản phẩm mới của họ tương thích hoàn toàn với các hệ thống thiết bị quân sự và vũ khí của NATO. Cả ba nêu bật tầm quan trọng của tăng cường năng lực phòng không và không kích để đối phó với thách thức về an ninh ở vùng châu Âu - Đại Tây Dương và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Những mục tiêu cụ thể ấy nghe qua thì thấy đơn giản và không có gì đặc biệt trong NATO. Nhưng ở đây, ba nước này mưu tính chiến lược sâu xa hơn nhiều, bởi Anh và Ý là thành viên NATO, trong khi cả ba đều là thành viên nhóm G7. Nhật Bản cùng Mỹ, Ấn Độ và Úc tạo thành cái Bộ tứ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khi Anh cùng Mỹ và Úc thành lập Liên minh an ninh ba bên với nhiệm vụ chủ chốt là giúp Úc có được tầu ngầm hạt nhân.

Với thỏa thuận nói trên, Anh và Ý mở đường cho Nhật gây dựng và tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng với NATO và với các nước thành viên NATO, giúp Nhật vươn tới được vùng châu Âu - Đại Tây Dương trên phương diện này. Đổi lại, Anh và Úc mở được thêm cánh cổng mới để tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Úc có được tầu ngầm hạt nhân thì Nhật Bản có được thế hệ máy bay tiêm kích hiện đại nhất.

Anh, Ý và Nhật hợp tác với nhau như vậy sẽ thoát khỏi sự lệ thuộc vào máy bay tiêm kích và thiết bị quân sự của Mỹ, của NATO hay của ai đó khác. Một lý do khác nữa thôi thúc bộ ba liên thủ với nhau chế tạo máy bay tiêm kích hiện đại và các thiết bị quân sự tối tân nhất là nếu không có được máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 thì vào thời điểm năm 2035, lực lượng không quân của cả ba sẽ trở nên lạc hậu hai thế hệ.

Vì lẽ đó, sự hợp tác này có ý nghĩa và giá trị chiến lược đặc biệt đối với cả ba. Từ sự khởi đầu này, họ sẽ gây dựng nên những tiền đề và điều kiện cần thiết để mở rộng và tăng cường hợp tác ba bên về quân sự và quốc phòng cùng nhiều lĩnh vực liên quan khác. Nhật Bản sẽ gia tăng vị thế trong quan hệ với những thành viên khác của NATO và G7. Anh và Ý tăng cường sự hiện diện trực tiếp về quân sự và an ninh cũng như có vai trò và ảnh hưởng to lớn cả về chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các cấu trúc về chính trị, an ninh, quân sự và quốc phòng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở nên rõ nét. Đó là mạng lưới những mối quan hệ hợp tác, liên thủ, liên kết và liên minh song phương cùng với đa phương giữa các nước trong khu vực và đối tác ngoài khu vực và ngược lại. Điều đặc biệt là các mô hình liên kết về an ninh, quân sự và quốc phòng định hình sớm hơn và tiến triển năng động hơn so với những lĩnh vực khác.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần