Bộ Công Thương họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược
Kinhtedothi - 6 chương, 17 Điều đã được Bộ Công Thương xây dựng trong Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược để lấy ý kiến nhằm hoàn thiện trước khi trình.
Thực hiện Quyết định số 916/QĐ-BCT ngày 1/4/2025 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam, ngay trong chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp.
Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.
Thời gian qua, xu hướng dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn.
Để đảm bảo các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu.

Toàn cảnh cuộc họp.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thương mại chiến lược vừa là nghĩa vụ của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế, cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ an ninh, hòa bình quốc tế. Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất và có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và có diện mặt hàng xuất nhập khẩu đa dạng, càng được quan tâm đề nghị xây dựng khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược, đưa vào các chương trình phối hợp song phương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, đơn cử như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã thống nhất với sự cần thiết ban hành, phạm vi và đối tượng điều chỉnh, cũng như một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thường trực Tổ biên tập khẩn trương tiếp thu góp ý, hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Được biết, chiều 1/4/2025, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi gồm 6 chương, 17 Điều.

Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm vụ kẹo rau củ Kera
Kinhtedothi - Bộ Công Thương đã và đang xem xét, đánh giá hồ sơ, thông tin của vụ việc liên quan đến kẹo rau củ Kera. Trên cơ sở làm rõ các thông tin, sẽ phối hợp các đơn vị chức năng để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành.

Hà Nội nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước
Kinhtedothi - Sau hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đã giúp các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP (DNNNN) không chỉ vượt qua những giai đoạn khó khăn mà còn phát triển mạnh mẽ.

Thể chế sẽ hút đầu tư cho doanh nghiệp vươn mình
Kinhtedothi - Dù đối diện nhiều thách thức, song các phân khúc thị trường đang hứa hẹn hút đầu tư tạo thế mới cho doanh nghiệp (DN) trong kỷ nguyên mới. Sự nỗ lực của DN cũng mong cải cách môi trường kinh doanh, thể chế để DN có thể bứt phá phát triển.