Bộ GD-ĐT tự "rung chuông" về chất lượng giảng viên đại học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH không đảm bảo chất chất lượng cũng như yêu cầu đề ra. Ngay sau khi thông tin đưa ra, nhiều trường ĐH, CĐ đã có những phản hồi trước động thái này. Phía học sinh, sinh viên đã, đang và dự định chọn ngành nghề thì băn khoăn, lo lắng.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT).
Việc Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH là chủ động cảnh báo tới các trường về chất lượng giảng viên. Ảnh minh  họa
Việc Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH là chủ động cảnh báo tới các trường về chất lượng giảng viên. Ảnh minh họa
PV: Thưa ông, việc Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH từ năm 2014 là dựa trên căn cứ nào, liệu có chính xác và thuyết phục hay không?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Việc dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo trình độ ĐH là theo quy định tại Điều 7 về đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng của Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/02/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng. Kết quả xử lý các báo cáo thống kê của các trường ĐH theo  nội dung  của công văn số 2061/BGDĐT-GDĐH ngày 29/3/2013.

Tuy nhiên, không phải báo cáo thống kê của các trường như thế nào thì Bộ GD-ĐT chấp nhận ngay như vậy mà từ kết quả xử lý báo cáo, chúng tôi đã làm việc với các trường để rà soát và cân đối nguồn lực của từng trường. Chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở có số liệu báo cáo không bình thường, kết hợp kiểm tra ngẫu nhiên một số trường khác và trên thực tế có nhiều trường đã bổ sung, báo cáo lại theo quy định.

PV: Từ nhiều năm nay, hồi chuông cảnh báo về chất lượng đào tạo ĐH, CĐ đã được đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, tại sao đến cuối năm 2013, Bộ GD-ĐT mới công bố sẽ dừng tuyển sinh dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH từ năm 2014. Động thái này từ phía Bộ GD-ĐT có mục đích gì, thưa ông?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Thực hiện chức năng quản lý giáo dục ĐH hiện đang được phát triển theo hướng tăng quy mô nhưng đồng thời vẫn đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT đã xây dựng các văn bản pháp quy, trong đó quy định cụ thể các điều kiện đảm bảo chất lượng, các chế tài xử lý và thực hiện rà soát lần lượt các chuyên ngành/ngành đào tạo từ trình độ tiến sĩ đến trình độ cao đẳng từ năm 2010 đến nay.  Cụ thể, năm 2010 đã thực hiện rà soát thống kê các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, đã  dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành và cảnh báo đối với 38 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ khác theo quy định tại Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009.

Năm 2012 thực hiện rà soát thống kê các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ và đã dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định tại Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22/12/2010 quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

Năm 2013 dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo trình độ đại học.và theo kế hoạch năm 2014 sẽ rà soát thống kê các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng. Đây là một kế hoạch tổng thể đã được thực hiện theo lộ trình.

Mục tiêu của các đợt rà soát là nhằm đánh giá thực trạng điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành, chuyên ngành đào tạo, nhất là về đội ngũ giảng viên cơ hữu; thống nhất cách thức quản lý ở cấp hệ thống và cấp cơ sở. Việc dừng các ngành/chuyên ngành không đủ giảng viên cơ hữu theo quy định là để các trường phải có định hướng, kế hoạch phát triển và quản lý đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường mình; xây dựng cơ sở cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên trong toàn hệ thống giáo dục đại học.

Qua kiểm tra rà soát, Bộ GD-ĐT chủ trương phát đi cảnh báo về việc đáp ứng chuẩn tối thiểu đảm bảo chất lượng về đội ngũ giảng viên cơ hữu của từng ngành đào tạo của nhà trường. Đây là một trong những nhân tố rất quan trọng quyết định đến chất lượng dạy và học.

Đối tượng kiểm tra rà soát lần này là tất cả các trường đại học, học viên hiện đang đào tạo các ngành ở bậc đại học, trong đó có cả những ngành đã đào tạo nhiều năm nay và những ngành mới được phép đào tạo. Việc kiểm tra rà soát tập trung vào số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo theo quy định.

Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, không phải cứ ngành nghề đào tạo lâu năm, là truyền thống của nhà trường thì đảm bảo đội ngũ. Có thầy cô đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác nhưng nhà trường chưa bổ sung lực lượng mới. Mặt khác, theo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, quy định đảm bảo điều kiện đội ngũ đã có sự thay đổi theo hướng nâng cao cả về số lượng và chất lượng nhưng một số trường chưa đáp ứng kịp các yêu cầu này.

Thí sinh, sinh viên có quyền được biết về chất lượng của các trường

PV: Thưa Vụ trưởng, ông có thể cho biết vì sao Bộ GD-ĐT lại dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH từ năm 2014, trong khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ còn hơn 4 tháng nữa là diễn ra. Liệu việc làm này có quá bất ngờ với thí sinh sẽ đăng ký ngành học đang bị Bộ GD-ĐT “tuýt còi” hay những sinh viên đã và đang học ở những ngành học, trường đó? Ông có ý kiến và lời khuyên nào cho thí sinh và sinh viên đã, đang và sẽ theo học các ngành nghề bị dừng tuyển sinh?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Một lần nữa tôi khẳng định kiểm tra rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng ngành đào tạo là kế hoạch tổng thể và có lộ trình.

Hơn 3 năm trước, Bộ GD-ĐT đã rà soát và sau đó chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ ở 57 chuyên ngành thuộc 27 trường ĐH, viện, học viện không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên. Năm 2012 tiếp tục rà soát, thông báo dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành thạc sĩ không đủ giảng viên cơ hữu. Năm 2013, Bộ tiếp tục rà soát các chuyên ngành ĐH và cuối tháng 1/2014 vừa qua thông báo dừng tuyển sinh 207 ngành. Năm nay, 2014 sẽ rà soát các ngành cao đẳng để xử lý nếu thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng theo qui định. 

Việc công bố dừng tuyển sinh đối với các ngành không đảm bảo chất lượng (ở đây là vấn đề thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu) không thể nói ở thời điểm nào là “hợp lý”, ở thời điểm nào là “quá bất ngờ”. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã chú ý đến thời điểm trước khi có hướng dẫn thi ĐH và công bố cuốn “Những điều cần biết”.

Đối với những sinh viên đang theo học các ngành bị tạm dừng tuyển sinh từ năm 2014  sẽ tiếp tục được đào tạo theo quy định của các quy chế đào tạo hiện hành. Đối với các thí sinh sắp thi ĐH thì đây cũng là một phần của “Những điều cần biết”. Người học là đối tượng đào tạo, nên các em có quyền được biết và có quyền yêu cầu các trường thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng và các cam kết của nhà trường.

Các em thí sinh cũng không phải lo lắng, vì các trường ĐH của ta thường là đào tạo đa ngành, mỗi trường thường đào tạo nhiều ngành khác nhau và mỗi ngành thường có nhiều trường đào tạo. Các thông tin liên quan đến tuyển sinh sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong Thông tin những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn.
Kiên quyết rà soát chặt chẽ ngành không có đủ giảng viên cơ hữu

PV: Ngay sau khi Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH từ năm 2014, một số trường (trong đó có trường đã có truyền thống lâu năm) đã rất ngỡ ngàng, lo lắng vì có nhiều ngành bị dừng tuyển sinh. Nếu những trường như vậy, họ sẽ đứng trước nguy cơ không tuyển đủ sinh viên theo học hoặc đóng cửa. Ý kiến, sự chỉ đạo và phương hướng giải quyết của Bộ GD-ĐT về những trường này sẽ như thế nào, thưa Vụ trưởng?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Việc xử lý rà soát các cơ sở đào tạo theo các điều kiện đảm bảo chất lượng cụ thể hiện tại, không theo loại hình hoặc truyền thống của các cơ sở đào tạo. Khi xử lý kết quả rà soát các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ, Bộ GD-ĐT đã dừng tuyển sinh nhiều chuyên ngành thuộc các cơ sở đào tạo lớn, có bề dày truyền thống và uy tín rất cao trong hệ thống giáo dục đại học.

Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT phải đối mặt với thực tế là có một số trường đang triển khai đào tạo các ngành không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng (nhất là thiếu giảng viên cơ hữu) và kiên quyết dừng để đảm bảo củng cố và phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới. Việc rà soát cũng sẽ được thực hiện thường xuyên, đồng thời sẽ triệt để xử lý theo quy định hiện hành.

Các trường cũng phải nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc cung cấp các ngành đào tạo có chất lượng, không nên vì “ngỡ ngàng, lo lắng”, “không tuyển đủ sinh viên” mà tiếp tục duy trì các ngành không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng. Đây còn là dấu hiệu cảnh báo, thể hiện một thái độ cương quyết của Bộ GD-ĐT. Nếu trong thời gian gia hạn bổ sung đội ngũ theo đúng quy định, các trường khắc phục được thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cho tiếp tục tuyển sinh lại.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được báo cáo thêm, cũng có một số thầy hiệu trưởng nói rằng do nhà trường báo cáo sai hoặc sơ suất. Nếu đúng như vậy thì các trường có thể kiểm tra rà soát và báo cáo lại cho chính xác. Cũng có thầy hiệu trưởng thừa nhận là đội ngũ còn thiếu nhưng đang trong quá trình đào tạo… Có rất nhiều lý do đưa ra nhưng quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên quyết xử lý theo các quy định hiện hành, nhất là các quy định về chuẩn tối thiểu về đội ngũ giảng viên.

PV: Được biết hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục, việc dừng tuyển sinh 207 ngành ĐH sẽ có tầm ảnh hưởng thế nào tới thực hiện Đề án này, thưa ông?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện Nghị quyết 29 (Nghị quyết TW 8) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc xử lý nghiêm, kiên quyết của Bộ GD-ĐT là một trong những động thái thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Việc kiên quyết dừng tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo của những  ngành không đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên cơ hữu là lời cảnh báo và là yêu cầu các nhà trường phải tập trung vào xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng  giáo dục đại học.

Sắp tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ công bố công khai danh sách đội ngũ giảng viên ĐH và yêu cầu các nhà trường công bố công khai danh sách này, đây là một trong những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo mà người học, xã hội cần được biết và tham gia giám sát.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần