Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT quá vội vàng trong tổ chức xét tuyển đại học tập trung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức cho các trường xét tuyển đại học (ĐH) tập trung, dư luận xã hội phản ứng rất mạnh.

Bởi cách làm này khác hoàn toàn với quy chế tuyển sinh vừa được Bộ GD&ĐT ban hành cách đây chục ngày.

Chưa thí điểm đã thực hiện

Trả lời báo chí về việc tổ chức xét tuyển chung, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Xét tuyển tập trung sẽ giải quyết được thí sinh "ảo" – vấn đề lớn của mùa tuyển sinh 2015. Không những thế, khi xét tuyển đồng thời 4 nguyện vọng, cơ hội trúng tuyển của TS sẽ cao hơn. Như vậy, khi xét tuyển tập trung, những nhóm nhỏ được các trường lập ra như GX của ĐH Bách khoa Hà Nội và 10 trường khác sẽ không tồn tại.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Đại học Bách khoa Hà Nội tháng 8/2015. 	Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Đại học Bách khoa Hà Nội tháng 8/2015. Ảnh: Phạm Hùng
Nhìn một cách tổng thể, nhiều chuyên gia khẳng định, xét tuyển tập trung theo nhóm lớn chắc chắn giảm được thí sinh "ảo" nhiều hơn so với một số trường tập trung cùng tổ chức xét tuyển. Nhưng rõ ràng, quyết định này của Bộ thể hiện sự vội vàng, chắp vá thay vì có kế hoạch cũng như tầm nhìn xa. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT sử dụng dự án xét tuyển sinh của nhóm GX để làm cho cả nước. PGS.TS Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định: “Mục tiêu của việc lập nhóm GX là giảm TS ảo. Phương thức của họ rất tốt, nhưng đây là thí điểm. Từ thí điểm đến khi thực hiện rộng rãi, cần có thời gian để rút kinh nghiệm. Thế mà Bộ lấy dự án của họ làm chung cho cả nước”. Khi Bộ dùng sản phẩm của nhóm GX, phải thanh toán bản quyền cho họ, bởi họ đã mất công suy nghĩ, tìm tòi.

Theo quan điểm của ông Hóa và một số chuyên gia, về cơ bản, dự án của cả nước mà làm như vậy không sai, song hơi vội vàng vì quá mới. Nhất là ngay sau khi kết thúc mùa tuyển sinh 2015, nhiều trường bắt tay ngay vào chuẩn bị cho mùa tuyển sinh sau. Đến nay, khi các trường đã công khai phương án, hình thức xét tuyển năm 2016, Bộ đột ngột thay đổi chiến thuật xét tuyển, khiến nhiều trường trở tay không kịp. Về phía TS, thời gian qua đã mất nhiều công sức để tìm hiểu về quy chế tuyển sinh, cứ tưởng nay tập trung cho việc ôn thi THPT Quốc gia, lại phải nghe ngóng, tìm hiểu về quy định xét tuyển chung trong cả nước.

Không thể nói chung chung

Nhiều người đặt vấn đề Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức xét tuyển chung trong cả nước có vi phạm quyền tự chủ của các trường đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH? Ông Mai Văn Trinh cho rằng, có nhiều trường chưa đủ điều kiện thực hiện tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh. Do đó, Bộ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia để các trường sử dụng kết quả này làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, các trường phải có một số ràng buộc để đảm bảo việc tuyển sinh an toàn, minh bạch và chất lượng. Theo ông Trinh, sử dụng phần mềm xét tuyển chung là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ tuyển sinh tốt hơn, chứ không vi phạm quyền tự chủ của các trường.

Một số chuyên gia lại đưa ra quan điểm, khi các trường đã có phương án tuyển sinh, Bộ nên tôn trọng. Bộ cũng cần làm rõ một số việc như: ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh, khi họ có nhu cầu tuyển TS từ kết quả thi THPT Quốc gia, liệu có cần thiết tham gia vào hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT? Những trường vừa xét tuyển sinh theo học bạ, vừa theo kết quả thi THPT Quốc gia thì sao?

Trong việc tổ chức xét tuyển chung, Bộ cần làm rõ việc đảm bảo quyền lợi cho các trường cũng như TS; nếu TS đăng ký xét tuyển muộn so với thời gian quy định có bị mất quyền xét tuyển? Đã là dự án xét tuyển chung trong cả nước, cần công bố thời gian, hướng dẫn thực hiện chi tiết để các trường làm theo, chứ không thể trả lời chung chung trên báo chí. Và nếu có thể, từ năm 2017 trở đi, Bộ nên có phương án tuyển sinh thống nhất quốc gia. Nếu mỗi trường làm một kiểu sẽ dẫn đến lộn xộn, không bình đẳng giữa các trường, cũng như nguyện vọng của TS không được tôn trọng. 
Bộ GD&ĐT không được làm cực đoan, mà động viên các trường tham gia. Khi các trường không tự nguyện thì họ được quyền đứng riêng rẽ, tự chủ tuyển sinh theo điều 34 của Luật Giáo dục ĐH. Theo tôi, nên coi việc làm này của Bộ chỉ là dịch vụ công chứ không thể là kỳ thi “3 chung”.
TS Lê Viết Khuyến nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT