Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, mục đích của phần bài tập trong SGK giúp học sinh thực hành và hiểu được yêu cầu chung của chương trình. Do đó, nó được thiết kế một cách đa dạng, phong phú, chứ không nhằm mục đích khiến cho các em học sinh làm bài vào sách gây lãng phí.
Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra không giống như mong đợi của Bộ GD&ĐT. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của xã hội và có điều chỉnh phù hợp, để sách giáo khoa thực sự là cuốn sách giúp cho việc cụ thể hóa từng môn học, cung cấp nền tảng cơ bản để giúp cho các em học sinh học tốt bộ môn”. “Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo tới các nhà trường và địa phương quán triệt thật sâu sắc tinh thần sách phải được ổn định lâu dài. Sau đó là giao cho NXB rà soát lại toàn bộ phần sách để xem nếu phần nào có thể chuyển sang phần bài tập. Và sẽ để lại các bài tập mang tính điển hình, không để tình trạng số lượng bài tập điền vào ô trống nhiều khiến học sinh phải làm bài vào sách giáo khoa. Chúng tôi đang giao NXB Giáo dục làm việc này, những bài tập đó sẽ chuyển sang sách bài tập hoặc hệ thống sách tham khảo để giúp học sinh rèn luyện nhiều hơn trong quá trình học tập của mình” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. Thứ trưởng Độ cũng cho biết, để tránh tình trạng nhập nhèm giữa SGK và sách tham khảo khiến phụ huynh phải mua cả những sách không dùng đến, từ năm 2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 21 hướng dẫn địa phương và nhà trường về việc sử dụng sách tham khảo. “Việc sử dụng sách nào, có hiệu quả hay không là do nhà trường quyết định, thông qua tổ chuyên môn nghiên cứu các sách rồi đề xuất với nhà trường và phụ huynh. Không để phụ huynh mua quá nhiều sách, mà giúp họ mua sách có chất lượng. Thông tư 21 được ban hành để trực tiếp giúp địa phương có chính sách phù hợp”.