Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tiến hành thẩm định SGK lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đánh giá sơ bộ của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, các SGK thể hiện đa dạng theo tinh thần mở và bám sát các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ đó, địa phương có phương án lựa chọn phù hợp với thực tế địa phương, theo đúng thẩm quyền, chức năng của mình. Đội ngũ viết SGK là những nhà khoa học uy tín, năng lực chuyên môn được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay, có tâm huyết và làm việc theo tinh thần cống hiến.
Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa vào tháng 10. Ảnh Internet |
Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng được quy định rõ: Có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định SGK. Có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định. Đã từng tham gia một trong các công việc: Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn SGK, thẩm định SGK; hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp dạy học ở cấp học có SGK được thẩm định.
Quy trình thẩm định SGK được nêu tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Theo đó, chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng, bản mẫu SGK được đơn vị tổ chức thẩm định gửi cho các thành viên Hội đồng.
Thành viên Hội đồng đọc, nghiên cứu và viết nhận xét, đánh giá bản mẫu SGK; Hội đồng họp, thảo luận về bản mẫu SGK theo quy định. Thành viên Hội đồng đánh giá và xếp loại bản mẫu sách giáo khoa. Đánh giá của Hội đồng sẽ vào một trong ba loại: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”.