Chủ động phương án, sẵn sàng ứng phó với Covid-19
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, có 14 tỉnh, TP cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2; 49 tỉnh, TP tiếp tục cho học sinh nghỉ học trên lớp.
Các sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để truy vết F1, F2,... Đồng thời, hướng dẫn học sinh, sinh viên, giáo viên khai báo y tế theo đúng quy định. Hầu hết các địa phương cho học sinh nghỉ học trên lớp đã triển khai hình thức dạy học trực tuyến.
Ở bậc đại học, tất cả các cơ sở đào tạo (trừ các cơ sở đào tạo khối an ninh quốc phòng) sinh viên hiện vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đến thời điểm này đã thông báo tổ chức cho sinh viên học trực tuyến.
Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT, chiều 19/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chủ động của địa phương, cơ sở giáo dục nhanh chóng đưa ra những quyết định về dạy và học nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời chỉ đạo: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp”.
Và, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước, vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau. Trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… “Cần chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đăng tải bài mẫu tốt qua kênh youtube
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đơn vị tích cực hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư Quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đồng thời, làm việc với các đối tác DN, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ GD&ĐT để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông…phục vụ cho hoạt động dạy và học.
Bên cạnh đó, có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Giáo viên Nguyễn Minh Đức - trường THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) dạy học trực tuyến môn Hóa học lớp 9. |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, các vụ bậc học tiếp tục huy động giáo viên từ các địa phương thực hiện các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số với đầy đủ các môn học ở bậc phổ thông. Việc xây dựng những bài giảng mẫu tốt và đăng tải qua kênh youtube còn rất phù hợp với những bậc học, lớp học “khó” triển khai dạy học trực tuyến như mầm non hay lớp 1.
Để giúp giáo viên có được các kỹ năng cần thiết, hiểu được quy trình, trình tự giảng dạy trong môi trường số, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao các đơn vị chuyên môn xây dựng cẩm nang hướng dẫn những nội dung này cung cấp cho giáo viên. Và, lưu tâm đảm bảo an toàn cho các em trong môi trường mạng, trong đó có an toàn sức khỏe và an toàn tâm lý.
Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến khó lường, việc triển khai tập huấn giáo viên, tập huấn sách giáo khoa chuẩn bị thực hiện chương trình mới đối với lớp 2, lớp 6 sao cho phù hợp và chất lượng. Căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị, các nhà xuất bản có thể kết hợp giữa hình thức tập huấn trực tuyến và trực tiếp, thực hiện số hóa bài giảng tập huấn cung cấp tới giáo viên. Cho dù thế nào cũng không để việc tập huấn giáo viên, tập huấn sách giáo khoa bị đứt đoạn.