Bộ Giáo dục & Đào tạo “trói chân” các trường?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định không quá 15.000 sinh viên (SV) chính quy đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra trong Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT đang làm khó những trường có số SV vượt ngưỡng.

Tiêu chí 3 là thừa

Thông tư 32 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH đưa ra 3 tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa. Trong đó, tiêu chí 1 - số SV chính quy tính trên một giảng viên; tiêu chí 2 - diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tính trên một SV chính quy. Lãnh đạo nhiều trường cho rằng, 2 tiêu chí này tạm ổn vì điều chỉnh theo hướng nâng dần so với quy định trước đây (Thông tư 57) để các cơ sở phấn đấu đạt chuẩn.

Tuy nhiên, tiêu chí 3 - quy mô SV chính quy không quá 15.000 đối với các cơ sở thuộc khối ngành I, III, IV, V và VII (trừ ngành nghệ thuật và sức khỏe) đang khiến những trường có quy mô lớn đau đầu. Ông Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội thừa nhận, nhà trường đang gặp trở ngại. Hiện, trường có 30.000 SV, tính theo tiêu chí 1 và 2 đều đáp ứng yêu cầu. Riêng việc phải giảm quy mô SV khiến nhà trường không biết làm sao để giải quyết đội ngũ giảng viên dư thừa cũng như cơ sở vật chất đã đầu tư. 
Nộp hồ sơ tuyển sinh vào Học viện Ngân hàng tháng 8/2015.	 Ảnh: Phạm Hùng
Nộp hồ sơ tuyển sinh vào Học viện Ngân hàng tháng 8/2015. Ảnh: Phạm Hùng
Là trường ngoài công lập có quy mô SV lớn nhất khu vực miền Bắc, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng “mắc kẹt” ở quy định 15.000 SV. Ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng cho rằng, quy định này làm cho các trường ĐH mất tính tự chủ. “Trường có đủ giảng viên, diện tích mặt sàn thì phải được đào tạo chứ? Tại sao Bộ lại ra quy định 15.000 SV mà không nhiều hơn, trong khi các nước xung quanh đang có 460 SV/1 vạn dân, còn Việt Nam là 260? Bộ làm như thế là cản trở, xâm phạm quyền được học tập suốt đời của mọi người. Tôi thấy tiêu chí 3 là thừa, Bộ nên xem xét lại!” - ông phản biện.

Sẽ phải “xin - cho”
 Trước hết, nhà trường cứ ổn định quy mô đào tạo ĐH, giảm khoảng 30% chỉ tiêu cao đẳng, sau đó sẽ báo cáo Bộ. Vì trong Thông tư 32 có ghi những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ xem xét và quyết định. 

Ông Phạm Văn Bổng Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội.
 

Từ ngày 1/2, Thông tư 32 có hiệu lực thi hành. Nếu tiêu chí 3 không được điều chỉnh, những trường đang có quy mô SV vượt ngưỡng sẽ phải đối diện với việc trả lương cho số lượng lớn giảng viên dư thừa; phải "đắp chiếu" cơ sở vật chất đã đầu tư mà vẫn tính khấu hao tài sản. Trong khi đó, nhà trường không thực hiện được kế hoạch đào tạo đã đề ra. Bộ GD&ĐT mở ra một hướng giải quyết cho các trường là trường hợp cụ thể, Bộ trưởng sẽ xem xét. Nhưng như thế lại xuất hiện cơ chế “xin - cho”, rất dễ xảy ra tiêu cực.

Điều 23 Luật Giáo dục ĐH quy định, các cơ sở giáo dục ĐH được phép hoạt động khi có đủ 6 điều kiện, trong đó không quy định hạn chế số lượng SV. Là người có thâm niên trong quản lý giáo dục ĐH, ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) phản đối quy định 15.000 SV: “Bộ cứ tưởng lượng hóa thành con số sẽ chính xác, nhưng không ổn, vì có trường đào tạo ít ngành, có trường đa ngành. Việc này phải do các tổ chức chuyên môn kiểm định đánh giá theo nhiều tiêu chí khác nhau, chứ không phải làm theo kiểu cơ học”.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị Bộ GD&ĐT để cho các trường tự quyết định quy mô đào tạo, nhưng phải được thể hiện bằng chất lượng. Trước mắt, khi chưa xác định được tiêu chí thấu đáo, Bộ để các trường đăng ký chỉ tiêu theo Thông tư 57. Còn nếu Bộ vẫn giữ quy định 15.000 SV, có thể sẽ xuất hiện tình trạng liên kết đào tạo giữa trường thừa SV và trường thiếu người học. Hơn nữa, khi phải giảm quy mô đào tạo, các trường sẽ bỏ qua những ngành xã hội không cần nhiều nhân lực. Trường nào cũng tập trung đào tạo ngành hot, sản phẩm dư thừa, lại càng khiến tình trạng cử nhân thất nghiệp nặng thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần